Hoạt động của ngành

Thân thiện - yếu tố cần để du lịch Sầm Sơn (Thanh Hóa) phát triển

Cập nhật: 10/04/2012 14:51:17
Số lần đọc: 2301
Nâng cao vị thế và hình ảnh của du lịch Sầm Sơn trong lòng du khách là một đòi hỏi thiết yếu, nhất là khi Sầm Sơn có đầy đủ các thế mạnh để phấn đấu trở thành điểm du lịch biển hàng đầu cả nước.

Tuy nhiên, những vấn đề vốn đã và đang tồn tại tại đô thị du lịch này cộng với yếu tố “thân thiện” vẫn luôn là vật cản vừa hữu hình, vừa vô hình, khiến cánh buồm du lịch dù đã được kéo lên song vẫn chưa đón đủ gió để căng mình rẽ sóng, vươn khơi. Chính vì lẽ đó, hướng đến một đô thị “kỷ cương, văn minh, thân thiện” là phương châm trong hoạt động du lịch mà Sầm Sơn đã đề ra và thực hiện nhiều năm trở lại đây.


Du khách đến với Sầm Sơn thời gian qua không thể phủ nhận bộ mặt của đô thị du lịch này ngày càng khang trang, hiện đại. Sự đầu tư về cơ sở vật chất, dịch vụ du lịch; việc mở rộng và “xanh hóa” các con đường, tuyến phố; việc quy hoạch các gian hàng kinh doanh làm thông thoáng không gian bãi tắm; trật tự giao thông, trật tự công cộng được chú trọng bảo đảm; vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch, bãi tắm được cải thiện... đã góp phần thu hút và giữ chân du khách. Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn không chỉ của Sầm Sơn mà đây còn là đầu tàu kéo cả ngành du lịch Thanh Hóa phát triển, vì lẽ đó, bộ mặt du lịch Sầm Sơn cũng chính là tấm gương phản chiếu trung thực tầm nhìn, năng lực quản lý, phát triển, sức hút... của du lịch Thanh Hóa đối với đông đảo du khách trong và ngoài nước.


Không ít các nhà quản lý, các cơ sở kinh doanh... đã phải đau đầu tìm giải pháp để tạo sức hút cho các sản phẩm du lịch giữa thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay. Và, sau các giải pháp về kinh tế, với việc đầu tư, nâng cấp, quảng bá hình ảnh... người ta đã chú trọng đến yếu tố thân thiện trong du lịch. “Thân thiện” ở đây có thể nôm na là “tỏ ra tử tế và có thiện cảm với nhau”. Nghĩa là, thân thiện phải xuất phát từ hai phía. Hầu hết người đi du lịch là để thỏa mãn sự hiểu biết và trên hết là được nghỉ ngơi, để tâm hồn được thoải mái và tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống vật chất. Không mấy ai muốn đi du lịch để rước lấy sự phiền toái, khó chịu. Chính vì vậy, họ thường lên đường với tâm trạng thoải mái, hồ hởi và đặt nhiều kỳ vọng vào nơi mình đến. Bởi vậy, ít nhiều trong du khách luôn “có sẵn” sự thân thiện.


Đáp lại sự thân thiện ấy, trước hết phải là các dịch vụ du lịch đáp ứng được nhu cầu của du khách: về nghỉ ngơi, ăn uống, thăm thú, khám phá, mua sắm; về môi trường sinh thái – văn hóa; về sự ân cần nhưng biết tôn trọng sự riêng tư; về giá cả phải gắn liền với chất lượng và sự minh bạch; về tính chuyên nghiệp trong cung cách phục vụ gắn với sự văn minh và đẳng cấp của thương hiệu du lịch... Nhưng quan trọng hơn, cũng là điều họ cần hơn cả chính là “nụ cười”. Trên hầu hết các hình ảnh quảng bá cho một điểm hay một sản phẩm nào đó, “nụ cười” luôn là hình ảnh đi kèm không thể thay thế. Một nụ cười có khi cũng đủ để diễn tả, gợi mở nhiều điều được ghi trong cả cuốn giới thiệu đầy những chữ. Cười cũng có trăm nghìn kiểu, nhưng trong du lịch, nụ cười chính là sự phản chiếu cho giá trị của sự thân thiện! Và nhiều du khách tìm đến điểm du lịch cũng chính là muốn tìm được nụ cười... như quảng cáo.


Các điều kiện dịch vụ có thể đáp ứng tốt nhất nhu cầu của du khách, mới mang lại cho họ nụ cười thỏa mãn vật chất bên ngoài. Nụ cười hài lòng, để lại nhiều dư vị và có sức lôi cuốn phải “phát” ra từ con người trong gặp gỡ, giao tiếp. Chính vì vậy, suy cho cùng thì thân thiện phải là giá trị do chính con người tạo lập mà có. Sầm Sơn không thiếu nụ cười. Bọn trẻ có thể cười khi mời khách mua hàng; các cô trung tuổi có thể cười khi mời khách mua đồ biển hay những thứ bánh quà khác; bác xích lô có thể cười khi mời khách lên xe; cô lễ tân có thể cười khi khách đến đặt phòng... Có điều, nụ cười ấy giữ không được bao lâu khi thấy khách từ chối hoặc tỏ thái độ không hài lòng. Chưa dám nói đến “bản chất” của nụ cười ấy liệu đã bao hàm sự thân thiện?


Hành trình đi tìm sự thân thiện cho du lịch Sầm Sơn là đồng thời phải tìm được cả nụ cười thỏa mãn nhu cầu vật chất lẫn sự hài lòng về tinh thần của du khách. Bên cạnh sự đầu tư về hạ tầng cơ sở, thì con người chính là yếu tố nắm cái “công tắc” bật lên sự thân thiện cho du lịch. Trong các giải pháp được đề ra, thì xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư, ở một phương diện nhất định, có tác động tích cực đến việc xây dựng hình ảnh đô thị du lịch thân thiện. Để làm được điều đó cần bắt đầu từ giá trị cơ bản đầu tiên, cũng là quan trọng nhất: con người văn hóa. Sẽ khó có thể kỳ vọng vào các đợt tập huấn hằng năm trước khi mùa du lịch bắt đầu, hay dựa vào các quy định trong hoạt động dịch vụ du lịch của địa phương để có được cái “giá trị cơ bản” kia, khi mà mỗi người dân tham gia lĩnh vực hoạt động này chưa có ý thức về làm du lịch bền vững, mà trước hết là tìm được nụ cười lấp lánh sự thân thiện!./.

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Cùng chuyên mục