Hành trang lữ khách

Đắm say Mù Cang Chải - Lào Cai

Cập nhật: 10/04/2012 16:10:26
Số lần đọc: 1950
“Yêu câu hát, yêu tiếng khèn, người Mông như bông hoa mùa xuân… Xanh xanh thắm, miền non ngàn rừng thông vi vu mây vờn mây…” – đó là lời bài hát “Mù Cang Chải ơi” của nhạc sỹ Lê Minh mà mỗi khi muốn giới thiệu quê mình cho những người bạn thập phương, người dân Mù Cang Chải lại tự hào cất lên như một lời mời gọi về với nơi non ngàn.

Đến với Mù Cang Chải, ta sẽ gặp bạt ngàn thông reo trên núi. Thông biếc xanh hiên ngang mà điệu đà, lúc nào cũng quàng quanh mình tấm khăn bằng mây trắng nõn, mềm mại, bông xốp. Bởi có rừng núi trùng điệp như thế mà nơi đây có một khí hậu tuyệt vời, không khí mát mẻ quanh năm. Chỉ trong một ngày ta cũng có thể cảm nhận được tiết trời của bốn mùa: buổi sáng ấm áp như mùa xuân, buổi trưa nắng bừng chói chang như chính hạ, buổi chiều tối mây và sương phủ xuống mọi vật mỏng manh như chiếc khăn voan trắng, tạo cảm giác như ta đang dạo bước dưới trời thu và ban đêm là cái lạnh se sắt của đông về.

Cũng nhờ có địa hình đồi núi thiên nhiên ban tặng, cùng với bàn tay lao động cần cù sáng tạo, đồng bào Mông nơi đây đã tạo ra một bức tranh kỳ vĩ, cũng là  nguồn cảm hứng bất tận để các nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhạc sỹ, điêu khắc, hội họa và du khách gọi với nhiều cung bậc khác nhau: “Những nấc thang vàng”, “Đường cong của tạo hóa”, “Điệu múa của lúa”…

Bức tranh huyền diệu này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận danh thắng cấp quốc gia, ấy chính là 500ha ruộng bậc thang Mù Cang Chải tập trung ở 3 xã: La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình. 

Hòa vào thửa ruộng bậc thang là dòng thác Mơ uốn lượn như làn tóc. Từ trên cao nhìn xuống sẽ nhìn thấy thác Mơ như một dải lụa trắng lấp lánh ánh bạc, mềm mại trải dài khoảng 3.000m. Người ta nói, dải lụa ấy mềm mượt như suối tóc của thiếu nữ và trên mái tóc đó được gắn rất nhiều đá hoa cương.

Thác Mơ có 7 điểm ấn tượng để du khách dừng chân thưởng ngoạn. Đến đây, du khách sẽ cảm nhận được sự hùng vĩ trong sự bình yên, hoang sơ của miền sơn cước, không khí trong lành, tinh khiết mà man mác hương hoa rừng, tất cả sẽ là những giây phút khó quên để một lần đến rồi lại muốn nhiều lần đến nữa.

Cùng với phong cảnh hữu tình do thiên nhiên ban tặng, vùng đất này còn có những nét đặc sắc riêng của phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa của người dân. Mùa xuân hay lễ cưới hỏi, đồng bào dân tộc Mông đều hát dân ca và múa khèn rất đặc sắc. Làn điệu của các bài hát, điệu khèn được diễn tả tế nhị, kín đáo, sâu lắng…

Dòng suối Nậm Kim cũng là một điều đặc biệt được thiên nhiên ban tặng, một nửa chảy về xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, một nửa chảy về Than Uyên của tỉnh Lai Châu qua địa phận Mù Cang Chải. Trên dòng suối đó còn có những công trình thủy điện như: Mường Kim, Hồ Bốn - niềm tự hào của quê hương và con người nơi đây. Chỉ có ở chốn này mới có được cảm giác những bóng điện thắp sáng lại được hòa quyện với sao trời: “Đường giao thông thênh thang ngược xuôi, điện sáng lên, sáng cùng sao trời, Mù  Cang Chải ơi!”.

Đến đây, ta thấy được cuộc sống thanh bình hơn bao giờ hết. Chính vì cuộc sống thanh bình này mà “đất lành chim đậu”, Mù Cang Chải trở thành vùng đất hấp dẫn của mười hai dân tộc anh em như: Mông, Thái, Tày, Dao, Kinh… Dù dân cư bản địa hay người nơi khác đến đều lấy Mù Cang Chải là quê hương. Trên vùng đất này, các dân tộc đoàn kết, chung tay xây dựng bản, làng, tạo nên những giá trị truyền thống tốt đẹp./.

Nguồn: website báo Yên Bái

Cùng chuyên mục