Lễ tạ nghề ở xứ Cù Lao
Các bậc cao niên hành lễ tạ nghề. |
Món yến sào - một sản vật đặc biệt của xứ này được lấy từ tổ của chim yến, cùng nghề khai thác yến sào chính thức ra đời từ đó, vào khoảng giữa thế kỷ XVIII... Miếu thờ tổ nghề yến sào được dựng ở bãi Hương (khoảng giữa Cù Lao Chàm) và đến hẹn hàng năm, cứ mùng 9, mùng 10 tháng 3 âm lịch là cháu con làm nghề ở khắp các nơi lại biện sắm lễ vật cùng hội nhau về miếu tổ để làm lễ tạ.
Do nghề yến thường đem lại thu nhập cao hơn hẳn các nghề khác nên lễ tạ bao giờ cũng được tổ chức to như hội, rình rang tới 2 ngày. Giải thích về ý nghĩa của lễ tạ, những người già đã gắn bó cả cuộc đời với nghề yến cho rằng, đó là cách thể hiện lòng biết ơn tự nhiên, tạo vật đã ban cho dân đảo một đặc sản, mang cho cộng đồng một nghề để sinh sống mặc dù nghề đó gần như phải đánh đu số phận mình trên những vách đá, phía dưới là đá sắc, sóng biển và hang tối…
Khâu chuẩn bị hoàn tất, thủ tục rước vọng từ hang yến về miếu hoàn tất, đúng vào giờ lành, đội hành lễ gồm các bậc bô lão cao niên trong làng diện khăn xếp, quần chùng áo dài bước tới trước ban thờ; cánh thanh niên, giới nghề luôn túc trực hai bên để nghe sai bảo. Sau phần lễ tạ xong xuôi, trong suốt 2 ngày, 1 đêm, cả làng sôi động với các trò chơi dân gian diễn ra trên sóng nước, những hội đua thuyền ngang, kéo co bằng thuyền...
Dân đảo tin rằng, năm nào lễ tạ diễn ra trong thời tiết trong trẻo, biển yên, sóng lặng, các trò hội rộn rã, đông đảo người tham gia thì năm ấy vụ yến sào được mùa...