Hoạt động của ngành

Khơi dậy tiềm năng du lịch Hoằng Hóa (Thanh Hóa)

Cập nhật: 19/04/2012 15:41:41
Số lần đọc: 3528
Hoằng Hóa là huyện cửa ngõ phía Bắc của TP Thanh Hóa, là “Vùng đất hiếu học, giàu truyền thống lịch sử văn hóa”. Nơi đây, những ngọn núi, dòng sông, bãi biển... với vẻ đẹp nguyên sơ và thơ mộng, đầy sức quyến rũ đang được khơi dậy, nhằm hướng tới mục tiêu: đưa Hoằng Hóa trở thành một trong những trọng điểm du lịch của tỉnh.
Tiềm năng du lịch phong phú

Song hành cùng sự phát triển và những thăng trầm của dân tộc, Hoằng Hóa được coi là mảnh đất địa linh nhân kiệt. Nhân dân trong huyện có truyền thống hiếu học. Trong lịch sử cũng như hiện tại, vùng đất Hoằng Hóa đã sản sinh ra nhiều bậc hiền tài lưu danh sử sách. Hoằng Hóa còn là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, toàn huyện có 18 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 79 di tích lịch sử cấp tỉnh. Thời gian qua, đã có 25 di tích được đầu tư trùng tu tôn tạo. Nhiều di tích được đầu tư hàng tỷ đồng từ huy động xã hội hóa như cồn Mả Nhón (Hoằng Đạo), đền thờ Tô Hiến Thành (Hoằng Tiến), chùa Hồi Long (Hoằng Thanh), đền thờ Lê Trung Giang (Hoằng Ngọc)...

Các sinh hoạt văn hóa truyền thống khá nổi tiếng của huyện cũng đang được quan tâm khôi phục và bảo tồn. Nhiều hoạt động đã được định hướng phục vụ phát triển du lịch. Tại các xã Hoằng Phượng, Hoằng Đạo, thị trấn Bút Sơn vẫn còn duy trì được các đội hát chèo truyền thống. Gần đây, đội chèo Bút Sơn đã đạt giải nhất trong cuộc thi hát chèo toàn quốc. Đội trống hội cung đình làng Phú Khê, xã Hoằng Phú đã và đang có nhiều chuyến biểu diễn ở khắp các địa phương. Ven dòng sông Mã, nhân dân xã Hoằng Quang vẫn còn lưu giữ được điệu múa Tú Huần cổ độc đáo. Nhân dân xã Hoằng Thắng có điệu múa Sanh Ngô,  giáo dục lòng yêu nước cho hậu thế. Những  người mẹ, người chị quanh năm chân lấm tay bùn với ruộng đồng xã Hoằng Trạch lại khẳng định họ không hề “khô khan” với điệu múa đội đèn đặc sắc. Trò nấu cơm thi chạy thẻ tại xã Hoằng Trung, cơm thi, cá giải ở Quỳ Chử (Hoằng Quỳ) vẫn còn lưu truyền và luôn tạo không khí náo nhiệt trong các lễ hội.

Ngoài tiềm năng du lịch về văn hóa,  Hoằng Hóa còn có bờ biển dài 12 km với bãi cát trắng mịn, độ dốc thoải, không có dòng chảy mạnh, ít nơi khác có được. Tiếng vi vu của rừng phi lao ngút ngàn dọc ven biển hòa cùng tiếng sóng vỗ rì rào đã tạo nét riêng để du khách hòa mình với biển cả. Biển Hoằng Hóa với các cửa Lạch Hới là nơi sông Mã, sông Cung, sông Lạch Trường quy về biển lớn. Đây chính là thuận lợi cho phát triển các tour du lịch đường thủy trong và ngoài huyện.

Quyết tâm trở thành trọng điểm du lịch của tỉnh

Nhận thấy rõ tiềm năng to lớn về  phát triển du lịch, ngày 9/12/2011, Huyện ủy Hoằng Hóa đã có Quyết định 238, ban hành chương trình phát triển du lịch của huyện giai đoạn 2011 - 2015. Trên cơ sở phân tích tiềm năng và điều kiện thực tế, huyện đã ban hành các văn bản nêu rõ những việc làm cụ thể, định hướng cho phát triển du lịch bền vững theo chiều sâu. Theo đó, huyện sẽ đưa các làng nghề vào phục vụ du lịch trong thời gian tới. Huyện cùng các công ty sẽ mở các tour du lịch từ Hải Tiến đến Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy), Khu Di tích Lam Kinh (Thọ Xuân), đền Bà Triệu (Hậu Lộc), đền Sòng Sơn (Bỉm Sơn)... để tăng thêm tính phong phú trong du lịch, thu hút nhiều du khách về với Hoằng Hóa.
 
Thời gian gần đây, việc xúc tiến đầu tư và quảng bá tuyên truyền cho du lịch cũng được huyện đẩy mạnh. Bà Đoàn Thị Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa, cho biết: “Huyện đã và đang kết hợp tham gia các sự kiện du lịch được tổ chức tại các huyện bạn, tỉnh bạn, đồng thời tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng để quảng bá tới bạn bè trong và ngoài nước về tiềm năng du lịch của huyện”. Điểm nhấn trong tiến trình phát triển du lịch của huyện Hoằng Hóa chính là Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến. Trong giai đoạn 2009 – 2011, huyện đã nỗ lực khắc phục khó khăn, đầu tư và thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư xây dựng  cảnh quan, cơ sở hạ tầng. Đến nay khu du lịch sinh thái biển rộng hơn 400 ha đã có gần 100 vila, khách sạn với hàng trăm phòng nghỉ, sẵn sàng đón khách. Các doanh nghiệp tại thị trấn Bút Sơn, Khu Công nghiệp Hoàng Long, thị trấn Tào Xuyên, Hoằng Lộc cũng đã đầu tư hơn 40 tỷ đồng để phục vụ lưu trú và ăn nghỉ cho khách du lịch. Tuyến đường Bút Sơn – Hải Tiến và cây cầu Choán 2 về vùng biển đã được đưa vào phục vụ du lịch.
 
Ngày 21/4/2012 tới đây, huyện Hoằng Hóa tổ chức khai trương Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến, đây được coi là bước ngoặt quan trọng trong lộ trình phát triển du lịch của huyện. Cùng với việc đầu tư hạ tầng, huyện xác định vấn đề phát triển hệ thống dịch vụ, các sản phẩm du lịch và nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch phải đi trước một bước. Vì thế, huyện đã tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia các hoạt động quảng bá du lịch; tham gia dọn vệ sinh môi trường, làm đẹp cảnh quan đường làng, ngõ xóm; đồng thời chỉ đạo các công ty, doanh nghiệp có các dự án đầu tư, kinh doanh du lịch tổ chức chiến lược thu hút, tuyển dụng, đào tạo kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho con em trong vùng. Ngoài ra, huyện yêu cầu các doanh nghiệp cần tăng cường phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để mỗi người, mỗi nhà chung quanh khu vực dự án  được tham gia làm du lịch. Huyện cũng chỉ  đạo các làng nghề truyền thống như mộc Đạt Tài, mây tre đan Hoằng Thịnh... bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh cần tăng cường quảng bá thương hiệu, lựa chọn những sản phẩm tiêu biểu, mang tính đặc thù để sẵn sàng giới thiệu với  du khách. Các sản vật địa phương như: Phi cầu Sài – sản vật tiến vua, nước mắm Khúc Phụ; rượu Chuế Thôn; bún làng Chiêng, dừa Hoằng Hóa... cũng đã sẵn sàng để du khách đến thăm, thưởng thức và cảm nhận những nét tinh túy, đặc sắc của nghệ thuật ẩm thực truyền thống.

Với cách làm riêng: Du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng, tham quan các di tích lịch sử, các làng nghề truyền thống, các sản vật ẩm thực đặc sắc, các môn thể thao cảm giác mạnh như “dù lượn”, “lướt ván”... Hoằng Hóa sẽ trở thành một trong những trọng điểm du lịch của tỉnh trong tương lai không xa./.
Nguồn: Báo Thanh Hóa

Cùng chuyên mục