Non nước Việt Nam

Khu căn cứ cách mạng Cam Đường (Lào Cai) - Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia

Cập nhật: 08/05/2012 11:16:49
Số lần đọc: 2502
Khu căn cứ cách mạng Cam đường được công nhận là Di tích Lịch sử cách mạng theo Quyết định số 1568/QĐ-VH ngày 20/4/1995. Đây là nơi Chi bộ Cam Đường, Chi bộ nông thôn đầu tiên được thành lập ngày 10/10/1948 có trụ sở đóng tại nhà ông Tài thôn Soi Lần xã Cam Đường, đồng chí Tô Vũ đảm nhiệm chức Bí thư Chi bộ. Chi bộ Cam Đường ra đời là một thắng lợi hết sức to lớn của Đảng ta, làm thức tỉnh mọi tầng lớp nhân dân hướng theo Cách Mạng.                                  

Tháng 10/1948 Trung ương phái đoàn cán bộ lên Cam Đường - Lào Cai để kiểm tra lại phong trào, tỉnh ủy Lào Cai quyết định lấy địa điểm thuộc thung lũng Làng Dạ 1 xã Cam Đường là trung tâm Căn cứ Cách mạng, bởi vì nơi đây có địa hình khá thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển Khu Căn cứ.

 

Trong những ngày tháng mới được thành lập, Tỉnh ủy đã đề ra nhiều hình thức đấu tranh phong phú, đó là phát động chiến tranh du kích giải phóng từng vùng. Với hình thức đấu tranh kết hợp chính trị, đấu tranh vũ trang đã tạo ra một không khí cách mạng sôi động thu hút nhiều quần chúng tham gia đi theo cách mạng. Trong hội nghị mở rộng của Tỉnh ủy họp tại Soi Lần về việc thành lập Chi bộ và lập khu căn cứ, ngoài thành phần đại biểu của các xã, hội nghị còn triệu tập đông đủ cán bộ, quần chúng giác ngộ và tham gia cách mạng. Nêu rõ mục đích của việc thành lập Khu căn cứ là để đoàn kết toàn dân đứng lên làm cách mạng, đánh đuổi thực dân và bè lũ tay sai, giải phóng dân tộc thoát khỏi kiếp nô lệ và bóc lột. Sự kiện thành lập Chi bộ và Khu căn cứ đã làm cho cán bộ, đồng bào các dân tộc trong khu nói riêng và toàn tỉnh nói chung thêm tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng, cuộc kháng chiến toàn dân nhất định thắng lợi. Tại đây đã thành lập một trung đội du kích  tại chỗ mỗi xã có từ 1 đến 2 tiểu đội. Đầu tháng 12/1948 công tác chuẩn bị cho cuộc đấu tranh vũ trang của quần chúng đang được gấp rút tiến hành thì địch phát hiện tổ chức vây bắt cán bộ nhưng không thành, chúng bắt một số dân trong đó có đồng chí Hoàng Sào. Địch dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ mua chuộc và dùng nhiều cực hình tra tấn nhưng đồng chí vẫn dữ một lòng trung thành với Đảng với Cách mạng. Trước tình hình đó quân và dân Cam Đường đề nghị tỉnh cho địa phương thực hiện khởi nghĩa vũ trang toàn dân và đã đi đến thắng lợi.

 

Ngày 16/12/1948 đơn vị vũ trang và du kích Cam Đường đánh tan 70 tên địch từ Bến Đền về Lào Cai.

 

Ngày 19/12 ta phục kích đánh địch ở Khe Tôm diệt 10 tên, bắt sống 1 tướng và thu được nhiều súng đạn.

 

Sáng ngày 13/1/1949 địch mở trận càn có quy mô lớn vào căn cứ Cam Đường, quân ta sau 20 phút chiến đấu đã tiêu diệt được 5 tên Pháp, 15 tên khố đỏ bị thương, địch bị thất bại và tháo chạy...Cuộc phát động đấu tranh vũ trang ở Cam Đường nổ ra thắng lợi; các điểm như Xuân Giao, Gia Phú cũng phát triển không ngừng và đã hình thành một khu du kích rộng lớn. Trong thời gian vừa xây dựng căn cứ vừa vũ trang chiến đấu, quân và dân Khu căn cứ đã chủ động đánh hàng trăm trận phá nhiều đồn bốt của địch giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn, ta luôn chủ động càn quét tấn công địch đứng lên giành thắng lợi tiến tới giải phóng Lào Cai.

 

Khu căn cứ cách mạng Cam Đường ra đời trong thời kỳ hết sức khó khăn của cuộc kháng chiến chống Pháp giai đoạn (1948-1950). Ngoài những giá trị về mặt Lịch sử oai hùng chống ngoại xâm giành độc lập dân tộc nó còn mang giá trị giáo dục truyền thống, phát huy khí phách anh hùng quật cường của dân tộc, không chịu khuất phục trước kẻ thù. Truyền thống đó đã và đang được nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

 

Ngoài những dấu tích, quang cảnh của khu di tích được ghi chép lại, khu căn cứ Cam Đường còn được bà con nhân dân, Ủy ban xã lưu giữ khá nhiều hiện vật liên quan đến sự kiện như nhà sàn - nơi thành lập chi bộ nông thôn đầu tiên; lán tập kết; cối giã thuốc súng; trống báo động và nhiều súng đạn; dao kiếm, mìn tự tạo của quân du kích Cam Đường. Hiện nay khu di tích cách mạng Cam Đường đã được tu bổ và xây dựng phòng trưng bày truyền thống tại xã Cam Đường gắn liền với tên gọi di tích để đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân, thiết thực làm tốt công tác bảo vệ và phát huy giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau. Đồng thời sẽ là nơi thu hút đông đảo du khách thập phương từ mọi miền Tổ Quốc tới tham quan./.

Nguồn: website SVHTT

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT