Những điểm du lịch hấp dẫn ở huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa)
Xã Cẩm Lương nằm xen kẽ giữa những dãy núi đá vôi trùng điệp bên tả ngạn sông Mã. Trong đó, dãy núi đá vôi Trường Sinh như hình chiếc võng khổng lồ chạy suốt từ bắc đến đông, ôm gọn Cẩm Lương vào vòng lũng núi và cũng từ dãy núi đá này xuất hiện một suối cá thần kỳ bí. Đó là một đàn cá đông hàng ngàn con, thân hình của cá đều giống nhau và gần giống như cá chép nhưng đuôi dài và đỏ, cá sống thành bầy đàn đông đúc không rời nhau. Suối cá thần có từ bao giờ không ai rõ, chỉ biết rằng đàn cá từ bao năm nay cứ sinh sôi, nảy nở, hàng ngày vẫn bơi lội ra vào, tung, quẫy nô đùa với bà con dân bản, với du khách mà không ai bắt dù chỉ một con nhỏ. Du khách đến đây có thể đưa tay xuống suối mà chạm vào lưng, bụng, đuôi, sờ vào từng chú cá và cảm nhận sự thân thiện của thiên nhiên đối với con người.
Cùng với danh thắng Suối cá thần, đến Cẩm Thủy chúng ta có thể ghé thăm chùa Ngọc Châu (chùa Chặng) ở xã Cẩm Sơn. Cái độc đáo của ngôi chùa này là chùa ở trong một hang đá, trong núi Tặng Sơn, bậc tam quan của chùa ở ngay cửa hang. Đây là ngôi chùa cổ còn lưu giữ bia đá đề năm 1509 và một tấm bia đề năm 1654 nói về quy hoạch lại ruộng chùa và sửa chữa chiếc chuông đá của chùa. Hiện nay, còn có một căn nhà sàn được dựng lên trong khuôn viên chùa, cho khách thập phương có chỗ nghỉ ngơi. Về Cẩm Thủy, chúng ta có thể chiêm ngưỡng động Cửa Hà ở xã Cẩm Phong với vẻ đẹp “sông lồng bóng núi”... Nằm trong chuỗi hoạt động tham quan những danh lam, thắng cảnh, chúng ta có thể đến thăm các làng nghề như: Dệt thổ cẩm ở xã Cẩm Lương, Cẩm Thạch; làm miến dong, mây tre đan ở xã Cẩm Bình; làng cót ở xã Cẩm Quý...
Dễ thấy rằng, tiềm năng du lịch của huyện Cẩm Thủy là rất lớn và những năm qua, thực hiện định hướng phát triển du lịch của tỉnh, cùng với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện, sự nỗ lực của các ngành chuyên môn, hoạt động du lịch trên địa bàn huyện đã và đang từng bước phát triển với doanh thu hàng năm đạt từ 1,5 tỷ đến 2 tỷ đồng. Ông Hoàng Trung Hải, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cẩm Thủy, cho biết: Hiện nay, Cẩm Thủy coi phát triển du lịch là chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương. Nhiều năm qua, huyện đã chủ trương kết hợp phát triển du lịch sinh thái và du lịch nhân văn cùng với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho du lịch. Thời gian tới, huyện Cẩm Thủy sẽ tiếp tục huy động nội lực, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư tăng cường cơ sở hạ tầng cho các khu di tích thắng cảnh; từng bước xây dựng, hình thành tuyến du lịch khép kín trong huyện gồm: Động Cửa Hà (Cẩm Phong) – Suối Cá (Cẩm Lương); khu du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng làng Dùng (Cẩm Liên) – chùa Rồng (Cẩm Thạch) – chùa Chặng (Cẩm Sơn), gắn với tuyến du lịch của tỉnh: Sầm Sơn – Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc) – Suối Cá – Lam Kinh (Thọ Xuân)... Bên cạnh đó, huyện đã và đang tích cực phối hợp với các ngành liên quan nâng cao năng lực cho cộng đồng địa phương có khu du lịch nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả, hợp lý các tài nguyên du lịch gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương và đa dạng sinh học cũng như vấn đề bảo vệ môi trường du lịch.
Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Cẩm Thủy, những năm gần đây, tiềm năng du lịch của huyện bước đầu đã phát huy hiệu quả, một số danh thắng trên địa bàn huyện đã thu hút được du khách thập phương đến tham quan. Từ việc khai thác nguồn tiềm năng trên đã góp phần phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, giải quyết việc làm nâng cao đời sống cho hàng nghìn lao động địa phương./.