Sầm Sơn (Thanh Hóa) – Sắc màu du lịch 2012
Chính vì thế, năm 1907, người Pháp đã chọn nơi đây làm nơi nghỉ dưỡng lý tưởng. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, biến cố của thiên nhiên, ngày nay Sầm Sơn đã thay da đổi thịt để trở thành một đô thị du lịch xanh, sạch, đẹp của tỉnh và cả nước có sức bật mới trong quá trình hội nhập. Có thể nói, từ năm 1990 là thời điểm đột phá với mục tiêu “sức khỏe, kinh tế, bạn bè”, mà lãnh đạo tỉnh đã đề ra, Sầm Sơn đã có bước đi hiệu quả và vững chắc.
Mấy năm gần đây, Sầm Sơn đã bứt phá rất nhanh những rào cản về sự tự phát thương mại, một nếp làm ăn manh mún mà chủ yếu là dịch vụ về ăn uống, nơi nghỉ, giá cả, quán ba, phòng hát karaoke... bước đầu đã tạo được diện mạo mới cho Sầm Sơn. Vì vậy du lịch, nghỉ dưỡng ngày càng chất lượng, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm và có lối sống văn hóa lành mạnh cho người lao động. Nhiều cơ sở hạ tầng được nâng cấp như đường Ngô Quyền, Lê Lợi, Hồ Xuân Hương trở nên thoáng mát, thuận lợi cho du khách đi bộ dạo mát hoàn chỉnh và mở rộng các tuyến đường ở các khu sinh thái. Các hạng mục cấp thoát nước, xử lý nước thải, rác thải cơ bản đã hoàn thiện và đã đưa vào sử dụng có hiệu quả. Có thể nói trong những năm qua nhất là năm 2011, việc an ninh, an toàn cho du khách và nhân dân có nhiều tiến bộ, môi trường vệ sinh khá tốt, đựơc du khách ghi nhận, thiện cảm với thiên nhiên, cảnh quan và con người nơi đây.
Đến nay, Sầm Sơn có gần 400 cơ sở lưu trú, trong đó có 7.500 phòng, hơn 20 ngàn giường, các tiện nghi cơ bản đảm bảo yêu cầu của du khách. Số lượng khách đến Sầm Sơn trong năm 2011 đạt hơn 1 triệu 92 ngàn lượt người, doanh số đạt 840 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2010, các khoản thu ngân sách và các chỉ tiêu khác đều vượt so với năm 2010. Tuy nhiên, hoạt động du lịch của Sầm Sơn vẫn còn thụ động mang tính thời vụ. Các thành phần kinh tế, các nhân tố làm ăn giỏi về du lịch chưa quy tụ, hợp sức nhiều và mạnh, tạo đà cho du lịch, trình độ giao tiếp của nhiều người dân còn hạn chế. Công tác quản lý nhà nước, đầu tư cơ sở vật chất chưa ngang tầm với xu thế phát triển du lịch của cả nước, tính chuyên nghiệp chưa cao. Sự tranh thủ các bộ ngành trung ương, các tổ chức xã hội, sự liên kết với các tỉnh và tính hội nhập quốc tế để đẩy nhanh tăng trưởng về kinh tế và phát triển về văn hóa - du lịch ở Sầm Sơn còn là vấn đề cần sớm được khắc phục, đổi mới.
Có thể nói, lợi thế của Sầm Sơn mà thiên nhiên ưu đãi ban tặng là rất lớn, nhất là hợp tác đầu tư cho các cơ sở hạ tầng và văn hóa. Từ thành phố Thanh Hóa đến Sầm Sơn khoảng 15km, du khách chỉ mất hơn 10 phút đi ô tô là đến nơi. Cũng từ thuận lợi ấy mà các tour của Sầm Sơn đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước. Từ bãi biển thoáng rộng, dài, nước biển trong xanh, sóng vỗ hiền hoà cho đến rặng phi lao đón gió đại dương đã tạo cho dáng vóc Sầm Sơn tăng thêm niềm thi cảm. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ từ Sầm Sơn, ô tô bus sẽ đưa du khách đến các điểm danh thắng như Thành Nhà Hồ, một di sản văn hóa đã được quốc tế vinh danh; Lam Kinh, một di tích lịch sử nổi tiếng, một khu sơn lăng tâm linh của thời Lê Sơ huyền bí; Bến En; suối cá thần Cẩm Lương, Đền Sòng.
Sầm Sơn có nhiều di tích đẹp nổi tiếng về lịch sử - văn hóa và những huyền thoại rung động lòng người như đền Độc Cước, hòn Trống Mái và đặc biệt là đền Cô Tiên, nơi mà cách đây hơn 50 năm, Bác Hồ kính yêu đã nghỉ và làm việc khi Người đến thăm Sầm Sơn. Các lễ hội, như lễ hội bánh dày, lễ hội làng nghề, lễ hội cầu phúc, cầu ngư,... đang là một hoạt động sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân bản địa và khách thập phương. Phát huy lợi thế ấy, lãnh đạo Sầm Sơn đã, đang phấn đấu khắc phục những khó khăn để vươn tới phía trước nhằm nâng cao chất lượng du lịch trong năm 2012, phấn đấu đạt 2.200.000 lượt khách, tăng 14,6% so với năm 2011, phục vụ 3.200.000 ngày khách lưu trú và đạt doanh số thu là 1.100 tỷ đồng tăng 31% so với năm 2011.
Trong những năm tiếp theo, Sầm Sơn sẽ mở rộng địa bàn hoạt động du lịch dịch vụ sinh thái ở khu Nam và Bắc Sầm Sơn, khu sinh thái sông Đơ với phương châm huy động các nguồn lực của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân muốn. Nơi đây sẽ là khu văn hóa sinh thái xanh bởi những hoạt động văn hoá ẩm thực, câu cá, bơi thuyền, ca nhạc phòng trà, thể thao giải trí và xây dựng nhiều nhà có phòng nghỉ, dưỡng, chữa bệnh bằng phương pháp cổ truyền. Mặt khác, từ khu sinh thái Sầm Sơn sẽ mở tuyến du lịch bằng đường sông ngược dòng sông Mã giúp du khách được tham quan khu di tích Hàm Rồng lịch sử và tiếp đó là đến các vùng kinh tế nông thôn miền núi sầm uất. Dự kiến của tỉnh mở rộng địa giới hành chính Sầm Sơn sẽ tạo đà cho việc xúc tiến đầu tư các hạng mục du lịch và tạo ra vành đai thực phẩm phục vụ du khách, nhất là mùa hè. Từ những ý tưởng quy hoạch ấy mà tương lai gần, Sầm Sơn sẽ nâng cao đời sống, giải quyết một bộ phận lao động còn nhàn rỗi ở thời vụ đánh bắt cá sang làm mặt hàng thủ công mỹ nghệ, trồng rau màu phục vụ hoạt động du lịch và cải thiện đời sống an sinh xã hội.
Muốn nâng cao chất lượng du lịch, Sầm Sơn đã có nhiều biện pháp nhưng trong đó rất cấp thiết và thường xuyên lâu dài là không ngừng đào tạo tập huấn, bồi dưỡng dài về kiến thức du lịch, dịch vụ cho cán bộ, nhân viên và nhân dân địa phương, nhất là quan hệ giao tiếp để nâng cao tính chuyên nghiệp chất lượng phục vụ du lịch.
Thiết nghĩ, Sầm Sơn không riêng là di sản quý giá của địa phương mà còn là tài sản du lịch của Thanh Hóa và cả nước, vì thế sự ưu đãi ban tặng về lợi thế của thiên nhiên là chưa đủ, mà cần phải có sự quan tâm hơn nữa của tỉnh và các bộ, ngành, các tổ chức xã hội trong nước, các đối tác quốc tế thì du lịch Sầm Sơn mới phát triển./.