Hành trang lữ khách

Bắc Hà (Lào Cai) phát triển du lịch cộng đồng

Cập nhật: 16/05/2012 09:04:33
Số lần đọc: 1734
Chiếc xe máy lao nhanh vượt qua từng con dốc quanh co, gấp khúc của “cao nguyên trắng” Bắc Hà cùng lời giới thiệu mượt mà của cô cán bộ Liên đoàn lao động tỉnh Lào Cai dần đưa chúng tôi về nơi đồng bào dân tộc Tày, thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai (Bắc Hà) đang phát triển mô hình du lịch cộng đồng giữa ngàn mây trắng.

Trung Đô nằm nghiêng mình bên sông Chảy thơ mộng, không chỉ có phong cảnh thiên nhiên đẹp, mà còn có di tích văn hóa - lịch sử Quốc gia đền Trung Đô, nhiều nét văn hóa dân tộc độc đáo. Nhưng cuộc sống của đồng bào nơi đây còn nhiều khó khăn do tập quán và thổ nhưỡng canh tác. Tuy nhiên, trong gian khó, Trung Đô đang dần chuyển mình đi lên làm giàu từ Đề án hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng của Liên đoàn lao động tỉnh Lào Cai.

 

Tháng năm, trời Bắc Hà nắng nhẹ và mát trong, chúng tôi tới Trung Đô trong sự bình yên và ấm áp của tình người nơi xóm núi. Trung Đô hôm nay tươi hồng sắc mới với những nếp nhà sàn còn nguyên nếp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc bản địa và cả những con đường “nông thôn mới” vào tận từng nhà người Tày, Mông… cùng những lão nông “xì sồ” đón đưa khách du lịch trong và ngoài nước rộn ràng, mà thầm thán phục. Có được kết quả đổi thay như ngày hôm nay, ông Lục Văn Tỉnh, trưởng thôn Trung Đô xúc động chia sẻ: “Trước kia, đời sống thôn mình khó khăn lắm, chỉ làm nương thôi. Từ khi tiếp thu được chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu lao động tại nông thôn, mình và bà con trong thôn đã biết làm du lịch cộng đồng, giờ đã có của ăn của để và có tiền cho con đi học tận Hà Nội rồi”.

 

Đến thời điểm này, Trung Đô có 45 hộ tham gia mô hình du lịch cộng đồng. Có 18 hộ có nhà sàn và 14 hộ đón tiếp du khách trong và ngoài nước tham quan du lịch và lưu trú qua đêm. Nhờ vậy, bà con đã có thêm thu nhập, xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu ngay trên chính quê hương mình. Để thu hút khách du lịch, bà con ký cam kết xây dựng làng bản văn hóa, thực hiện nếp sống mới, giữ vệ sinh môi trường. Dù mưa hay nắng, các điểm tham quan trong thôn cũng đều sạch sẽ, bởi hệ thống đường rải đá và bê tông trải khắp. Hiện nay, Trung Đô đang phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để làm du lịch. Đồng bào người Tày và người Mông trong thôn đã thành lập được các đội văn nghệ luyện tập và biểu diễn các bài hát, điệu múa, nhạc cụ truyền thống. Đồng thời, các món ăn riêng của đồng bào dân tộc nơi đây cũng được duy trì để du khách đến thưởng thức; đặc biệt là “đặc sản” thịt mắm cơm đỏ, nem măng đắng, xôi bảy màu… du khách đã một lần nếm thử chắc sẽ khó quên. Bên cạnh đó, nhờ phát triển du lịch, nên các các ngành nghề truyền thống như dệt vải thổ cẩm để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc tiếp tục được đầu tư và phát triển mạnh; cũng như có điều kiện khôi phục các tiết mục văn nghệ mang đậm sắc màu văn hóa dân tộc bản địa như múa xinh tiền, hay những điệu xòe, để phục vụ du khách tham quan. Anh Phạm Văn Thủy, hộ gia đình kinh doanh dịch vụ lưu trú khoe, trung bình mỗi tháng, gia đình anh đón 30 - 40 khách với giá từ 70 - 80 nghìn/khách/đêm. Ngoài ra, nếu du khách có nhu cầu du lịch sông Chảy, anh sẵn sàng phục vụ chở khách.

 

Mới 4 tháng đầu năm 2012, Trung Đô đã đón hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, mỗi hộ gia đình thu về hàng chục triệu đồng từ hoạt động du lịch. “Làm và phát triển du lịch ở miền xuôi đã khó, nhưng phát triển du lịch trên những vùng núi cao càng khó khăn hơn nữa. Do vậy, Liên đoàn lao động tỉnh Lào Cai trăn trở lắm, để làm thế nào có thể triển khai mô hình du lịch cộng đồng tại Trung Đô (Bảo Nhai, Bắc Hà) mang lại hiệu quả kinh tế cao, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, giúp người dân thoát nghèo. Sau nhiều lần đi nghiên cứu thực tế, cán bộ Liên đoàn lao động đã về tận thôn “cầm tay chỉ việc” cách làm du lịch cho đồng bào dân tộc nơi đây. Có như vậy mới đổi thay thoát nghèo và xây dựng nông thôn mới được" - ông Vũ Đức Chung, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Lào Cai cho biết thêm. Tuy là thôn vùng cao, nhưng ngoài việc làm nương và phục vụ khách du lịch, bà con người Tày, Mông, Nùng…còn chú trọng việc học ngoại ngữ để giao tiếp với khách nước ngoài. Liên đoàn lao động tỉnh Lào Cai cũng đã mở các lớp học tiếng Anh giao tiếp ngay tại thôn. Từ người lớn cho tới trẻ em, cứ mỗi tối lại dẫn nhau tới nhà văn hóa thôn để học ngoại ngữ. Cứ như vậy, nhà nhà biết ngoại ngữ để phát triển du lịch. Nói như thầy giáo dạy ngoại ngữ, Nguyễn Hữu Phong, “lớp học tiếng Anh tại nhà văn hóa thôn như lớp “bình dân học vụ” ngày xưa ấy. Vì ngoại ngữ là “chìa khóa” mở ra cả quá trình giao tiếp trong hoạt động phát triển du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch, qua đó cải thiện kinh tế gia đình. Nên ai cũng muốn biết ngoại ngữ để trao đổi và giới thiệu với du khách nước ngoài về văn hóa, sản vật đặc trưng của địa phương”.

 

Nắng chiều nhạt buông, rời “cao nguyên trắng” Bắc Hà, chúng tôi cảm nhận được sự vươn mình trỗi dậy mạnh mẽ của đồng bào nơi rẻo cao Trung Đô. Dưới khe sâu kia, con sông Chảy uốn lượn như chiếc khăn thổ cẩm thiếu nữ Tày xòe trong ngày hội xuống đồng, đổ nước về xuôi cho thủy điện Thác Bà. Đề án phát triển du lịch cộng đồng Trung Đô đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao biên giới này viết lên bài ca “xây dựng nông thôn mới" đẹp giàu bên sông Chảy thơ mộng./.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục