Về Cổ Thạch (Bình Thuận) ngắm biển trời lung linh
Có lẽ vì thế mà mỗi lần đến là mỗi cảm xúc mới. Biển vẫn thế, tinh nghịch đánh vào bờ. Chùa vẫn thế, trầm mặc hòa tiếng chuông cùng tiếng sóng. Làng vẫn thế, nhộn nhịp và hối hả với những mẻ cá. Tất cả không thay đổi nhưng lại tạo cho du khách cái cảm giác của sự chuyển động không ngừng nơi bức tranh thiên nhiên và con người sống động này.
Điểm đến đầu tiên khi đặt chân đến Cổ Thạch là chùa Hang. Chùa tên chữ là Tổ Đình Cổ Thạch, tọa lạc trong hang động trên đồi ven biển. Tuy nhiên, chùa Cổ Thạch không chỉ có mỗi một ngôi chánh điện như những chùa khác, mà là hàng chục công trình kiến trúc chạy dài ven bãi biển nối tiếp nhau. Nào là điện Phật, rồi Tổ đường, tháp Tổ… rồi lại còn có các bức tượng Phật Niết bàn, Di Lặc, Quan Âm Bồ tát trên đồi. Xung quanh là những tảng đá lớn nhiều hình thù khác nhau và nhiều hang động luồn sâu trong núi đầy huyền bí và hấp dẫn. Chùa còn lưu giữ được các cổ vật Đại Hồng Chung, trống và nhiều di sản Hán Nôm quý hiếm, các liễn đối, hoành phi, văn liệu…
Cũng chính vì thế mà năm 1993, chùa Cổ Thạch được xếp hạng di tích thắng cảnh cấp Quốc gia. Hàng năm có hàng chục vạn du khách từ trong và ngoài nước đến đây tham quan, hành hương. Đa số họ là những tín đồ Phật giáo, đến đây để tìm sự thanh thản cho tâm hồn, bên cạnh đó là tham quan thắng cảnh độc đáo của vùng biển đầy nắng gió này.
Sau khi tham quan chùa Cổ Thạch, trước mắt du khách sẽ hiện ra bãi đá lung linh nhiều màu sắc. Bãi đá này nằm trên cung đường biển dài hơn 1 km với vô số hòn đá nhiều màu sắc, nhiều khích thước (đa số có kích cỡ trung bình bằng khoảng một nắm tay). Và đặc biệt là cả khu vực rộng lớn vẫn còn giữ nguyên nét hoang sơ diễm lệ. Dân gian hay gọi nơi đây là “bãi đá bảy màu”, những viên đá nhỏ ấy trồi từ lòng biển, nhô lên bờ do sự tác động của địa hình, thiên nhiên. Du khách đến đây thường nhặt về vài viên đá xinh xinh làm kỉ niệm, điều lạ là với hàng chục vạn khách du lịch như thế mỗi người dăm ba viên nhưng số lượng dường như không bao giờ giảm.
Nếu có điều kiện, du khách có thể đi xe ôm của dân địa phương để đến đồi cát và lăng cá ông gần đó không xa. Lăng ông Nam Hải ở Tuy Phong không lớn bằng nhiều nơi khác, tuy nhiên có niên đại cổ và lưu giữ được rất nhiều bộ xương cá voi lớn nhỏ. Lăng nằm đối diện bờ biển hiền hòa, thanh bình, phía sau lăng là đồi cát cao ráo, thoáng mát và đứng ở đồi cát này có thể thấy được toàn cảnh các làng chài xung quanh lăng. Lăng xây dựng từ thời Minh Mạng, kiến trúc mang đậm dấu ấn phương Đông với nhiều hoa văn họa tiết rồng mây hoa lá… phong phú. Bên trong trang trí trang nghiêm, lộng lẫy, cũng có phần mang màu sắc kỳ bí.
Theo một số nguồn tư liệu thì tương truyền cách đây trên trăm năm, nơi đây có một ông Nam Hải nặng hàng chục tấn “lụy” vào bờ. Người dân mai táng tại chỗ, sát bờ biển và lập đền. Ngoài ra, ở đây còn có các bộ xương cá ông nhỏ hơn, được phát hiện sau này. Đến nay người dân ở đây đã an táng và lưu thờ khoảng 100 bộ cốt./.