Nét mới tại di tích Tháp Pô Sah Inư, Bình Thuận
Kể từ khi thành lập Ban quản lý di tích Tháp Pô Sah Inư (tháng 9/2009), chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian Chăm chỉ được tổ chức vào những dịp lễ, tết. Trước nhu cầu phục vụ du khách và nhằm tạo ra nét mới tại điểm tham quan từng được công nhận di tích cấp quốc gia, sở chức năng đã thống nhất xúc tiến kế hoạch biểu diễn nghệ thuật thường xuyên. Trước mắt từ giữa tháng 6 cho đến hết năm 2012, hoạt động này bắt đầu tổ chức định kỳ vào các ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần. Nếu thành công, chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian Chăm sẽ được triển khai thực hiện ở tất cả các ngày trong tuần kể từ đầu năm 2013 trở đi…
Ghi nhận trong ngày đầu tiên khởi động kế hoạch (16/6), di tích Tháp Pô Sah Inư tiếp đón lượng khách khá đông cho dù thời tiết hôm ấy không thuận lợi vì có mưa rải rác. Thường trực tại đây, ông Nguyễn Minh Thuận - Trưởng Phòng Nghiệp vụ Ban quản lý di tích Tháp Pô Sah Inư cho biết có khoảng 800 khách đến tham quan và thưởng thức chương trình. Con số này rất khả quan, vì so ngày thường chỉ đón từ 100 - 200 khách du lịch có nhu cầu tìm hiểu di tích theo các tour tuyến. Nhiều đoàn khách tỏ ra khá bất ngờ khi lần đầu tiên được phục vụ những tiết mục nghệ thuật dân gian Chăm độc đáo mà giá vé vào cổng chỉ 5.000 đồng/người. Anh Bảo (ngụ Q.3 - TP. HCM) cho rằng đây là “món mới” trong chuyến du lịch này, bởi với chương trình ca múa nhạc dân gian như thế không dễ gì được xem.
Trong ngày đầu ra mắt chương trình, có lẽ vất vả nhất là các diễn viên của Đoàn Ca múa nhạc dân gian dân tộc Chăm thuộc Nhà hát Ca múa nhạc Biển Xanh. “Chạy sô” mười mấy suất diễn trong ngày để kéo du khách dừng chân, giới thiệu nét mới tại di tích Tháp Pô Sah Inư, nhưng ai nấy đều rất vui vì luôn đón nhận những tràng pháo tay. Các tiết mục múa “Lên tháp”, “Vui hội Katê”, “Bến nước tình yêu” hay ca từ ngọt ngào trong bài hát “Tình yêu làng gốm”, “Về thăm tháp cổ”… luôn được người xem tán thưởng. Còn những tiết mục hòa tấu bằng nhạc cụ trống, kèn, chiêng của người Chăm lại gây sự thích thú đối với du khách trẻ tuổi, có người xin thử cho bằng được.
Theo diễn viên Lâm Huy Quân - Phó đội múa, dù suất diễn dày nhưng hơn 20 anh chị em vẫn hoàn thành tốt phần việc. Không như trước đây, mỗi lần tham gia biểu diễn tại di tích Tháp Pô Sah Inư thường ở ngoài trời, do vậy cũng ít nhiều ảnh hưởng sức khỏe. Còn bây giờ trong sân khấu có mái che, hệ thống âm thanh lại đảm bảo chất lượng nên hầu hết diễn viên đều phát huy sở trường, thế mạnh riêng của mỗi người… Khi được hỏi về “vốn” tiết mục có đủ phong phú để phục vụ du khách hàng ngày, diễn viên Lâm Huy Quân tự tin cho biết hoàn toàn đáp ứng theo yêu cầu.
Như vậy, việc biểu diễn nghệ thuật dân gian Chăm tại di tích Tháp Pô Sah Inư có thể xem là hướng đi phù hợp, để tiến tới hình thành dịch vụ du lịch mới cho địa phương. Vì thế ngay từ bây giờ, đơn vị tổ chức và ngành chức năng cần tăng cường công tác quảng bá ra bên ngoài và đưa chương trình biểu diễn vào đề án Phan Thiết City tour. Để từ đó trong mỗi tour tuyến của các đơn vị lữ hành khi đưa khách đến tham quan hay nghỉ dưỡng tại Bình Thuận, sẽ không thể bỏ qua “nét mới” tại di tích Tháp Pô Sah Inư cổ kính…