Tăng cường vai trò của cộng đồng trong lễ hội
Bảo tồn và phát huy giá trị của các lễ hội truyền thống đang là một vấn đề nóng của xã hội. Tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Lễ hội - Nhận thức, giá trị và giải pháp quản lý” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức diễn ra mới đây, các nhà khoa học, nhà quản lý đã bàn đến nhiều vấn đề nhằm tìm ra những giải pháp thiết thực, hiệu quả, góp phần quản lý, tổ chức lễ hội đảm bảo nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với thuần phong mỹ tục nhưng vẫn giữ được nét tôn nghiêm của lễ hội. Nhiều ý kiến đặc biệt nhấn mạnh việc cần tăng cường hơn nữa vai trò chủ thể của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của lễ hội nói riêng, di sản văn hoá nói chung.
Tôn trọng sự tham gia của cộng đồng
Khẳng định từ xa xưa cộng đồng luôn giữ vai trò là chủ thể của các lễ hội, PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng, điều rất mừng là hiện nay những người làm công tác văn hoá và di sản đều đã có nhận thức chung: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá là trách nhiệm trước hết của cộng đồng. Các công ước về di sản vật thể và phi vật thể đều khẳng định vị trí và vai trò của cộng đồng, khuyến nghị các quốc gia phải phát huy vai trò của chủ thể - cộng đồng trong việc bảo vệ các di sản văn hoá.
Tuy nhiên, cũng theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nhận thức được vai trò của cộng đồng là quan trọng, là quyết định, nhưng ở mỗi nơi, đối tượng cộng đồng, trình độ, năng lực của cộng đồng rất khác nhau, cơ chế vận hành cộng đồng cũng không giống nhau… Vì vậy, cần tiếp tục xây dựng cho được cơ chế và chính sách đảm bảo cho cộng đồng thực sự làm chủ di sản của mình.
Bên cạnh đó, di sản văn hoá, việc bảo tồn và phát huy di sản văn hoá là một lĩnh vực chuyên biệt với phương thức bảo tồn rất nhạy cảm và có nhiều quan niệm cũng như phương pháp tiếp cận mới, chính vì thế, muốn cộng đồng là chủ di sản một cách lành mạnh, đúng hướng thì họ phải dựa trên nền tảng được cung cấp đầy đủ thông tin về kinh nghiệm trong việc bảo vệ di sản và được tiếp cận với những quan niệm mới về bảo tồn di sản, từ đó đưa ra những quyết định bảo tồn đúng đắn.
PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam cho rằng: muốn quản lý tốt các hoạt động văn hoá trong lễ hội truyền thống sự tôn trọng cộng đồng là cần thiết. Để thực hiện điều đó, các cơ quan quản lý văn hoá cần xây dựng các chương trình giáo dục di sản văn hoá cho cộng đồng, phối hợp với cơ quan báo chí có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến kiến thức giúp người dân hiểu đúng giá trị văn hoá, hướng tới những mục tiêu, hành vi đúng đắn trong các hoạt động lễ hội.
Hài hòa mối quan hệ Nhà nước và cộng đồng
Không phủ nhận vai trò của Nhà nước trong việc bảo tồn các di sản văn hoá, nhất là các lễ hội truyền thống, tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Văn Huy cũng cho rằng, sự can thiệp của Nhà nước quá sâu vào các lễ hội nhiều khi khiến lễ hội mất phương hướng.
Vấn đề ở đây là làm thế nào tạo được mối quan hệ hài hoà giữa nhà nước và cộng đồng trong việc tổ chức và quản lý các lễ hội để có thể phát huy tốt nhất vai trò chủ thể của cộng đồng, không làm giảm tính chất quốc lễ, nhưng tăng được tính dân gian.
PGS.TS Đặng Văn Bài cũng cho rằng, từ thực tiễn cho thấy, mô hình quản lý nào có sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước với cộng đồng cư dân địa phương, giúp họ hiểu được vai trò là chủ thể văn hoá thực sự trong hoạt động lễ hội thì hạn chế được những mặt tiêu cực nảy sinh trong các lễ hội. Tuy nhiên, đại diện cơ quan nhà nước không nên làm thay cho dân ngay cả trong các nghi thức thiêng liêng trong ngày khai hội. Bởi mục tiêu chính yếu của các lễ hội là bảo tồn và tôn vinh các giá trị tiêu biểu trong lễ hội truyền thống nhằm phục vụ chủ yếu cho các nhu cầu sinh hoạt văn hoá tâm linh của cộng đồng cư dân địa phương. Thế nhưng, vai trò quản lý của Nhà nước rất quan trọng, đặc biệt là ở những lễ hội lớn mang tính liên vùng như Đền Hùng, Côn Sơn-Kiếp Bạc, Chùa Hương… chỉ riêng cộng đồng chắc chắn không có khả năng tổ chức và điều hành.
Bởi vậy, khó có thể phủ nhận vai trò quản lý của Nhà nước trong công tác quản lý, điều hành các hoạt động nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá nói chung, lễ hội nói riêng; đồng thời nhấn mạnh đây cũng là trách nhiệm của toàn xã hội, với những giải pháp đồng bộ, lâu dài. Chỉ có sự kết hợp tốt giữa chính quyền và người dân cộng đồng, có sự tham gia của du khách mới giúp cho việc tổ chức lễ hội được thuận lợi và đạt hiệu quả cao nhất, thiết thực góp phần vào công cuộc bảo vệ và phát huy kho tàng di sản văn hoá phong phú và đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam./.