Non nước Việt Nam

Độc đáo trang phục dân tộc thiểu số

Cập nhật: 22/06/2012 11:19:12
Số lần đọc: 2746
Mỗi dân tộc đều có truyền thống văn hóa và nét đẹp riêng trong trang phục của mình. Chúng tôi xin giới thiệu một số nét độc đáo trong trang phục của đồng bào Mông, Sán Chay, Dao Tiền, Pà Thẻn ở Tuyên Quang.

Rực rỡ trang phục dân tộc Mông:

Trang phục của phụ nữ dân tộc Mông được thêu thùa rất sặc sỡ. Phụ nữ Mông trắng trồng lanh, dệt vải để may váy màu trắng, áo xẻ ngực, thêu hoa văn ở cánh tay, yếm sau; cạo tóc, để chỏm, đội khăn rộng vành. Phụ nữ Mông hoa mặc váy màu chàm có thêu hoặc in hoa văn bằng sáp o­ng, áo xẻ nách, trên vai và ngực đắp vải màu có thêu hoa văn, để tóc dài, vấn tóc cùng tóc giả. Phụ nữ Mông đen mặc váy bằng vải nhuộm chàm, in hoa văn bằng sáp o­ng, áo xẻ ngực. Phụ nữ Mông xanh mặc váy ống, phụ nữ đã có chồng cuốn tóc lên đỉnh đầu, cài bằng lược móng ngựa, đội khăn ra ngoài, tạo thành hình như hai cái sừng. Trang trí trên y phục chủ yếu bằng đắp ghép các vải màu, hoa văn thêu chủ yếu hình con ốc, hình vuông, hình quả trám, hình chữ thập. Phụ nữ Mông đeo trang sức làm bằng bạc, nhôm, đồng… có chạm trổ các nét họa tiết dân gian sinh động.

Giản dị trang phục Sán Chay:

 

Phụ nữ dân tộc Sán Chay mặc áo tứ thân màu chàm, hai bên nẹp áo trước ngực được ghép vải màu trắng đỏ và thêu đôi hoa văn nhỏ. Phía sau lưng cũng thêu đôi hoa văn nhỏ, góc gấu áo ghép mẩu vải trắng vuông. Đồng bào gọi kiểu áo này là Pu dăn dinh. Yếm là vải dệt bằng tay có màu trắng, thêu hoa bằng chỉ màu, đính giữa yếm là núm bạc. Phụ nữ Sán Chay thường thắt dây thắt lưng làm bằng lụa, nhiễu, hoặc vải xanh, đỏ, tím, vàng… Vào dịp lễ tết, hội hè, đám cưới, các cô gái thường thắt 2-3 chiếc thắt lưng các màu; ngày thường khi đi làm, họ dắt dây đeo bao dao thay cho thắt lưng, bắp chân được cuốn sà cạp trắng. Khăn thêu hoa được đội để đi chơi, còn thường ngày phụ nữ đội khăn đen dài, tóc búi phía sau. Trang phục của nam giới cũng màu chàm, áo cánh ngắn 5 thân, cài khuy nách, đầu búi tóc, cuốn khăn dài. Ngày nay trang phục truyền thống của đồng bào Sán Chay vẫn được các thế hệ lưu giữ.


Bức tranh trên vạt áo:


Phụ nữ dân tộc Dao Tiền khi may áo bao giờ cũng thêu một bức tranh mang hình nhiều con chó trang trí ở vạt áo sau. Dù là họ Bàn, họ Đặng, họ Triệu, họ Chu… họ nào cũng mang ơn Bàn Vương. Theo truyền thuyết, Bàn Vương là con chó thần, vị tổ của người Dao nên phải nhớ đến, phải có hình ảnh trên vạt áo của từng người. Bức tranh thêu 16 con chó, mỗi con một dáng vẻ sinh động. Trên một vùng vải trang trí nhỏ, con thì châu đầu vào nhau như tâm tình thủ thỉ, con thì ngoảnh mặt ra bốn phía quan sát. Bức tranh này thể hiện ý thức cội nguồn và là một minh chứng cho tài năng sáng tạo của phụ nữ Dao Tiền về tài thêu thùa, trang trí. Đó cũng là tiêu chuẩn để các chàng trai Dao Tiền đánh giá sự khéo léo của bạn tình mình và là tiêu chuẩn tài đức để các chàng trai chọn vợ.

Duyên dáng trang phục Pà Thẻn:

 

Trang phục của phụ nữ dân tộc Pà Thẻn có gam màu đỏ tươi là chủ yếu. Áo gồm hai thân, được may lượn bó sát người gợi nét mềm mại của thiếu nữ vùng cao. Áo không có cổ, nẹp ngực viền vải xanh hoặc trắng. Thân áo còn được trang trí bằng những mảnh vải màu đen, xanh, trắng làm thành những đường kẻ hay các hình khối trông rất khỏe khoắn. Tay áo bên trong bằng vải láng đen, bên ngoài đắp vải đỏ phía gần nách và cổ tay. Yếm là một mảnh vải hình vuông (khoảng 33-34 cm2), thân yếm được đắp các mảnh vải hình vuông có thêu hoa văn màu đỏ. Váy là loại váy ống, cạp xếp nhiều ly. Toàn bộ thân váy được trang trí hoa văn màu đỏ. Dây lưng bằng vải trắng, thắt buông phía trước bụng. Khăn được vấn thành nhiều vòng trên đầu tạo thành một vành rộng như cái nón. Lớp vấn ngoài làm bằng vải tự dệt màu đỏ, trang trí nhiều họa tiết hoa văn sinh động. Hai đầu khăn có đính hai chùm tua rua đỏ pha sợi vàng trông rất duyên dáng. Cùng với trang phục, vòng cổ, vòng tai, vòng tay, yếm bạc là những thứ không thể thiếu làm nên nét quyến rũ, nổi bật của phụ nữ Pà Thẻn. Để có bộ trang phục truyền thống, chị em phụ nữ phải chuẩn bị hàng năm trời. Chính vì vậy, chị em nâng niu, quý trọng chỉ dùng khi đi lễ hội, đám cưới, xuống chợ…/.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT