Hành trang lữ khách

Khám phá dinh thự ở Đà Lạt

Cập nhật: 02/07/2012 15:30:46
Số lần đọc: 1717
Được ví như một “tiểu Paris”, những dinh thự với lối kiến trúc và các dấu ấn văn hóa - lịch sử độc đáo tại thành phố Đà Lạt đã trở thành các điểm dừng chân thú vị khi đến với cao nguyên.

Dinh 3 là một trong số các dinh thự được đưa vào khai thác du lịch sớm nhất. Cách đây hàng chục năm, khách tham quan cảm thấy khá lý thú bởi trước khi bước vào bên trong dinh thự, mỗi khách đi một đôi hài vải để giữ sạch và bước nhẹ nhàng trong không gian đó. Dinh được xây dựng khoảng từ năm 1933 đến năm 1938, vẫn còn giữ lại gần như nguyên vẹn dấu ấn kiến trúc, nội thất dinh thự của gia đình vị vua cuối cùng Bảo Đại. Đến Dinh 3, không gian mở giữa đồi thông, phía trong với phòng tiếp khách, khu vực làm việc cũng như không gian sinh hoạt của cựu hoàng Bảo Đại như đưa đến lăng kính có thể nhìn phần nào về một thời kỳ lịch sử đã qua. Không gian thơ mộng, kiến trúc đẹp và những đồ vật lịch sử vẫn còn lưu giữ được, Dinh 3 trở thành một điểm đến văn hóa - lịch sử của nhiều đoàn khách.

Biệt điện Trần Lệ Xuân nếu khi xưa được ví là “đệ nhất trời Nam”, tách biệt với cư dân thì nay đã trở thành một điểm đến thuận lợi và hấp dẫn. Tổng diện tích 13.000 m2 với ba tòa biệt điện Bạch Ngọc, Lam Ngọc, Hồng Ngọc, hồ bơi nước nóng, vườn hoa Nhật Bản… Đặt chân lên từng lối đi, du khách cảm nhận được sự xa hoa một thuở của nơi này. Biệt điện nay là Trung tâm lưu trữ Quốc gia 4 - nơi lưu giữ Mộc bản triều Nguyễn mang theo nhiều giá trị và dấu ấn thời cuộc. Chị Thanh Uyên và mẹ chị đi cùng đoàn khách từ Vũng Tàu đến đây cho rằng vốn kiến thức lịch sử trở nên dày dặn hơn khi bước vào tìm hiểu và khám phá những dấu ấn đặc biệt trong khuôn viên này.

Đầu năm 2012, tại Bảo tàng Lâm Đồng, cung Nam Phương Hoàng hậu đã được mở cửa đón du khách. Đây là dinh thự mà ông Nguyễn Hữu Hào - cha của Hoàng hậu Nam Phương xây tặng con gái. Sau cả một quãng thời gian lịch sử dài, kể từ đầu năm 30 của thế kỷ 20 cho đến nay, dinh thự vẫn giữ nguyên lối kiến trúc Pháp, lưu giữ những vật dụng gắn liền với Hoàng hậu Nam Phương. Phục dựng lại một phần cuộc đời của Hoàng hậu và gia đình Vua Bảo Đại, nội thất tòa dinh bài trí những góc sinh hoạt như: phòng khách, phòng ăn, hệ thống 7lò sưởi được làm bằng đá quý chuyển về từ châu Âu thời đó. Các bộ ly tách, bếp cồn, bát rửa tay… như những góc nhỏ của nhịp sống gia đình. Theo bà Đoàn Thị Ngọ - Phó Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng thì việc đưa vào khai thác dinh thự này làm phong phú thêm hoạt động của một điểm đến mang tính lịch sử - văn hóa. Tính từ đầu năm đến nay, Bảo tàng Lâm Đồng đã đón trên 10.000 lượt khách và cung Nam Phương Hoàng hậu đã tạo ra sức hút với nhiều đoàn khách từ mọi miền đất nước đến tìm hiểu.

So với những điểm tham quan “mở” khác, dinh thự hấp dẫn bởi vẻ uy nghi của hình khối kiến trúc và những yếu tố lịch sử mà nơi đó chứa đựng. Hướng dẫn viên các điểm tham quan này hiển nhiên cũng phải có những vốn kiến thức lịch sử khá chắc chắn để thuyết minh về nhân vật, sự kiện gắn với các địa danh. Những câu chuyện mà họ kể đã đem đến phần “hồn” cho các dinh thự tưởng chừng như đã bị rêu phong thời gian bao phủ./.

Nguồn: website báo Lâm Đồng

Cùng chuyên mục