Hào Phú (Tuyên Quang) - Mảnh đất có nhiều điểm đến hấp dẫn
Không chỉ biết đến là mảnh đất của những cánh đồng lúa trù phú và vùng nguyên liệu mía trải rộng khắp các bản làng, mà xã Hào Phú (Sơn Dương) còn nổi tiếng với những điểm du lịch lịch sử, văn hóa tâm linh hấp dẫn gồm: Đình làng Quang Tất, đền Ất Sơn.
Đình làng Quang Tất, thôn Quang Tất tọa lạc trên khu đất tương đối bằng phẳng, xung quanh có nhiều cây cối cổ thụ tạo bóng mát quanh năm. Đình còn lưu giữ được 7 sắc phong của các triều vua ban cho dân làng Quang Tất để thờ phụng Thành hoàng làng. Bản sắc phong có niên đại sớm nhất vào thời vua Tự Đức năm thứ 6 (1853). Như vậy, qua thư tịch Hán Nôm trên bước đầu xác định được đình xây dựng muộn nhất là vào đầu thế kỷ XIX. Ngôi đình được dựng với kiến trúc nhà sàn gồm 3 gian, 2 chái, mái lợp ngói. Đền hiện còn 3 bộ cột chính dài khoảng 4 m và 7 bộ cột phụ dài 2,5 m được kê trên các tảng đá xanh và đá ong. Trong năm đình có 3 ngày đại lễ: Mùng 6, 7 tháng Giêng, 10-2, 12-11 âm lịch. Trong những ngày đại lễ dân làng mở hội lớn và có nhiều trò chơi dân gian như hội thi vật, thi chọi gà, kéo co, đánh cù... Với vị trí thuận lợi về giao thông nhưng kín đáo, đảm bảo bí mật nên trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đình được Sư đoàn 308 chọn làm nơi đóng quân tạm thời, tập kết lương thực, quân tư trang, đạn dược trên đường hành quân. Trong kháng chiến chống Mỹ, đình là nơi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương mở lớp đào tạo, tập huấn cán bộ phục vụ kháng chiến và là nơi treo pa nô, khẩu hiệu tuyên truyền kháng chiến của nhân dân địa phương.
Cách đình Quang Tất chừng 2 km là đền Ất Sơn (hay còn gọi là đền Thượng) tọa lạc trên một khu đất rộng, bằng phẳng trên một sườn đồi nhỏ, thuộc địa phận thôn Thắng Lợi. Đền được dựng lên để thờ phụng 3 vị thành hoàng làng là Cao Sơn Đại Vương, Kế Sơn Đại Vương và Ất Sơn Đại Vương. Đến nay vẫn chưa có nguồn thư tịch, tài liệu cổ nào nói về việc xây đền. Nhưng trong ngôi đền có ghi lần trùng tu đền vào năm Thành Thái thứ 9 (năm 1897). Phía trên các cấu kiện kiến trúc được gắn các mảng phù điêu như rồng, hổ phù bằng kỹ thuật chạm thủng và chạm lộng khá tinh tế, được sơn son thếp vàng lộng lẫy, là sản phẩm của thế kỷ XIX. Đây là các bộ phận của cổ kiệu, bát cống dùng để rước thần khi làng vào hội được tận dụng để trang trí cho ngôi đền thêm phần trang trọng. Căn cứ vào đó có thể khẳng định ngôi đền được xây dựng vào khoảng thế kỷ XIX. Năm 1993 chính quyền và nhân dân địa phương đã tiến hành trùng tu và khôi phục lễ hội cầu Đinh cầu Lão vào 6-2 âm lịch hàng năm. Ngày lễ diễn ra tại đền với nghi lễ cổ truyền và các trò chơi dân gian đặc sắc là nét sinh hoạt văn hóa tâm linh mang tính cộng đồng làng xóm. Đền Ất Sơn còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị: Ba bài vị bằng gỗ sơn son thếp vàng, một cỗ long ngai bằng gỗ, một hòm đựng sắc phong bằng gỗ, một bộ đài rượu, một chân nến bằng gỗ, sáu mảng chạm phù điêu bằng gỗ, hai lư hương bằng gốm cỡ nhỏ, ba đạo sắc phong cho ba vị Sơn thần có niên hiệu Khải Định năm thứ 9 (năm 1923). Với ý nghĩa và tầm quan trọng của di tích đền Ất Sơn, năm 2008, đền Ất Sơn đã được công nhận là di tích văn hóa cấp tỉnh./.
Cách đình Quang Tất chừng 2 km là đền Ất Sơn (hay còn gọi là đền Thượng) tọa lạc trên một khu đất rộng, bằng phẳng trên một sườn đồi nhỏ, thuộc địa phận thôn Thắng Lợi. Đền được dựng lên để thờ phụng 3 vị thành hoàng làng là Cao Sơn Đại Vương, Kế Sơn Đại Vương và Ất Sơn Đại Vương. Đến nay vẫn chưa có nguồn thư tịch, tài liệu cổ nào nói về việc xây đền. Nhưng trong ngôi đền có ghi lần trùng tu đền vào năm Thành Thái thứ 9 (năm 1897). Phía trên các cấu kiện kiến trúc được gắn các mảng phù điêu như rồng, hổ phù bằng kỹ thuật chạm thủng và chạm lộng khá tinh tế, được sơn son thếp vàng lộng lẫy, là sản phẩm của thế kỷ XIX. Đây là các bộ phận của cổ kiệu, bát cống dùng để rước thần khi làng vào hội được tận dụng để trang trí cho ngôi đền thêm phần trang trọng. Căn cứ vào đó có thể khẳng định ngôi đền được xây dựng vào khoảng thế kỷ XIX. Năm 1993 chính quyền và nhân dân địa phương đã tiến hành trùng tu và khôi phục lễ hội cầu Đinh cầu Lão vào 6-2 âm lịch hàng năm. Ngày lễ diễn ra tại đền với nghi lễ cổ truyền và các trò chơi dân gian đặc sắc là nét sinh hoạt văn hóa tâm linh mang tính cộng đồng làng xóm. Đền Ất Sơn còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị: Ba bài vị bằng gỗ sơn son thếp vàng, một cỗ long ngai bằng gỗ, một hòm đựng sắc phong bằng gỗ, một bộ đài rượu, một chân nến bằng gỗ, sáu mảng chạm phù điêu bằng gỗ, hai lư hương bằng gốm cỡ nhỏ, ba đạo sắc phong cho ba vị Sơn thần có niên hiệu Khải Định năm thứ 9 (năm 1923). Với ý nghĩa và tầm quan trọng của di tích đền Ất Sơn, năm 2008, đền Ất Sơn đã được công nhận là di tích văn hóa cấp tỉnh./.
Nguồn: Báo Tuyên Quang