Phát triển du lịch Việt Nam đồng nghĩa với phát triển nguồn nhân lực đạt chuẩn
Kỷ niệm 52 năm ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam (9/7/1960 – 9/7/2012), Báo Du lịch xin trích đăng phỏng vấn của Truyền hình Việt Nam (VTV) với Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn về vấn đề phối hợp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Du lịch Việt Nam giữa ngành Du lịch và Liên minh châu Âu (EU), trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
LTS: Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 đã đề ra các mục tiêu thể hiện quyết tâm của toàn ngành Du lịch: phát triển du lịch cơ bản thành ngành kinh tế mũi nhọn; có tính chuyên nghiệp, có sức cạnh tranh gắn với bản sắc văn hóa dân tộc; đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm đến được ưa chuộng, có đẳng cấp thế giới. Phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt 10-10,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 45 triệu khách nội địa, thu nhập du lịch đạt từ 18-19 tỷ USD... Để có được kết quả đó, trong rất nhiều công việc của ngành thì hoạt động đào tạo nguồn nhân lực đạt chuẩn là vấn đề then chốt góp phần quan trọng cho mục tiêu chiến lược trở thành hiện thực.
Phóng viên (PV): Thưa ông, ông có thể cho biết trong Dự án thứ hai mà chúng ta phối hợp với EU, chúng ta đã giải quyết vấn đề gì để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nhu cầu cấp thiết hiện nay?
Tổng cục trưởng (TCT): Chúng ta đã kết thúc rất thành công việc triển khai thực hiện Dự án thứ nhất do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ về Phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt
- Thứ nhất là xây dựng và phổ biến rộng rãi cho các đối tượng trong toàn ngành 13 bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề cho các lĩnh vực dịch vụ cơ bản của ngành du lịch kèm theo các đĩa DVD hướng dẫn kỹ năng nghề
- Thứ hai là hỗ trợ nâng cấp cơ sở vật chất về đào tạo thực hành nghề và chương trình giảng dạy đào tạo Đào tạo viên cho các trường đào tạo về du lịch.
- Thứ ba là đào tạo và hình thành một đội ngũ đào tạo viên cho các doanh nghiệp và các trường du lịch trong cả nước.
- Thứ 4 là tổ chức đào tạo và thẩm định cấp chứng chỉ nghề theo tiêu chuẩn VTOS trên diện rộng cho các nhân viên làm việc trong các doanh nghiệp du lịch.
- Thứ 5 là củng cố và vận hành Hội đồng cấp chứng chỉ nghề du lịch (VTCB) thuộc Tổng cục Du lịch và một hệ thống các Trung tâm thẩm định nghề du lịch ở các địa phương.
Kết quả triển khai Dự án Phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam do Liên minh Châu Âu tài trợ đã có tác động hết sức cơ bản đến toàn ngành Du lịch, thể hiện cụ thể là:
- Nâng cao tay nghề của người lao động trong các doanh nghiệp du lịch;
lTăng cường năng lực của giáo viên các trường nghiệp vụ du lịch và giám sát viên trong các các doanh nghiệp du lịch, do vậy nâng cao chất lượng chung của lao động trong các doanh nghiệp và hệ thống dạy nghề du lịch;
- Làm tăng tính cạnh tranh của Việt
- Tăng mức độ hài lòng của khách du lịch đối với các sản phẩm và dịch vụ mà họ sử dụng, góp phần làm tăng số lượng khách du lịch đến Việt
- Tăng nhận thức về tầm quan trọng của du lịch cho người lao động trực tiếp và gián tiếp;
- Nâng cao kiến thức và kinh nghiệm cho các nhà quản lý du lịch trong khu vực công và khu vực tư nhân. Dự án thứ nhất do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ đã mang lại những kết quả rất tích cực. Bộ tiêu chuẩn nghề của chúng ta đã được thực hiện theo tiêu chuẩn châu Âu và được các nước trong khu vực ASEAN công nhận. Điều đó có nghĩa những nhân lực được đào tạo theo bộ tiêu chuẩn này được thừa nhận bởi cộng đồng quốc tế trong khu vực ASEAN.
Trên cơ sở những đánh giá tích cực về kết quả đạt được của Dự án Phát triển nguồn nhân lực du lịch và đề xuất của phía Việt Nam, Liên minh Châu Âu EU một lần nữa đã nhất trí tiếp tục tài trợ cho ngành du lịch Việt Nam một Dự án hỗ trợ kỹ thuật mới trong giai đoạn 2011 - 2015 có giá trị 11 triệu Euro, với tên gọi: “Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội”.
Với mục tiêu chung là: đưa các nguyên tắc về du lịch có trách nhiệm vào ngành Du lịch Việt Nam nhằm tăng cường tính cạnh tranh và góp phần thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nội dung của Dự án mới được tập trung vào ba hợp phần chính sau:
1 - Hỗ trợ chính sách và Tăng cường thể chế
2 - Năng lực cạnh tranh của sản phẩm và Đối tác công - tư
3 - Giáo dục và đào tạo nghề
Theo đó, một trong những nội dung quan trọng của Dự án 2 là sẽ tiếp tục hoàn thiện và mở rộng các kết quả của Dự án trước, đó là tiếp tục củng cố và làm cho Hội đồng cấp chứng chỉ nghề du lịch (VTCB) hoạt động có hiệu quả hơn, Hệ thống tiêu chuẩn nghề VTOS được mở rộng và triển khai ở diện rộng hơn. Có thể nói rằng, sự hỗ trợ của các Dự án do EU tài trợ đã tạo ra một hệ thống nền tảng về các phương diện để phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch Việt
PV: Trên cơ sở của một dự án có quy mô lớn do EU tài trợ, chúng ta sẽ tăng cường hợp tác quốc tế như thế nào nữa để nâng cao năng lực cho ngành Du lịch ngoài dự án này?
TCT: Ngoài việc tích cực triển khai Dự án do EU tài trợ, trên thực tế thì hiện nay, vấn đề mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch đang được Tổng cục Du lịch tích cực chỉ đạo triển khai, tập trung vào việc hợp tác đào tạo trên hai phương diện: Đó là tìm kiếm và khuyến khích các chương trình có nội dung đào tạo tốt để đưa các sinh viên, thực tập sinh, tu nghiệp sinh ra học tại nước ngoài; và hợp tác cấp Chính phủ do các nhà tài trợ quốc tế giúp đỡ. Hiện nay, ngành Du lịch đã có đối tác rất quan trọng như Singapore với chương trình đào tạo 1800 các tu nghiệp sinh, chương trình hợp tác với Bỉ, Lucxembua, chương trình hợp tác bốn nước Việt Nam – Lào – Campuchia – Myanmar để thực hiện thông điệp “Bốn quốc gia một điểm đến”, thúc đẩy trong khuôn khổ dự án hỗ trợ bởi ADB với các nước trong tiểu vùng sông Mêkông. Ở phạm vi này chúng ta đang có sự trợ giúp tích cực của tổ chức JICA, Hàn Quốc do trung tâm ASEAN – Hàn Quốc chủ trì, với Trung Quốc và một số nước trong khu vực ASEAN. Chúng ta đang tranh thủ mọi khả năng, cơ hội nguồn lực để thúc đẩy chương trình hợp tác tăng cường năng lực nguồn nhân lực bên cạnh những nỗ lực của toàn ngành dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ VHTTDL, chúng ta đang tập trung lực cho đào tạo nguồn nhân lực cho toàn ngành trong Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
PV: Hiện, Việt Nam có khoảng 1,5 triệu lao động làm trong ngành Du lịch, tuy nhiên số lao động được đào tạo có yếu tố nước ngoài không phải là nhiều. Vậy, chúng ta đã có chính sách hoặc cơ chế gì để những người được đào tạo ở nước ngoài trở thành những nhân tố nhằm mở rộng mô hình này không?
TCT: Đây đúng là một vấn đề rất quan trọng để làm thế nào chúng ta thực sự phát huy được hiệu quả của hoạt động đào tạo. Việc chúng ta đưa được người ra nước ngoài đào tạo và mời được các chuyên gia, tranh thủ các dự án đào tạo nước ngoài để đào tạo cho nguồn nhân lực của Việt Nam là vốn rất quý nhưng việc phát huy nó, việc khai thác và tạo điều kiện cho các sinh viên, tu nghiệp sinh được đào tạo tại nước ngoài có được vị trí làm việc một cách thích hợp trong ngành Du lịch là một điều quan trọng. Để làm được điều này, chúng tôi cho rằng phải có một hệ thống thông tin về nhu cầu tuyển dụng cho các cấp độ: Tuyển dụng trong các cơ quan nhà nước, tuyển dụng trong các cơ sở đào tạo ngành Du lịch, tuyển dụng trong các hệ thống quản trị về doanh nghiệp, tuyển dụng trong việc sử dụng nghề phổ thông trên diện rộng để người lao động có thể tìm được vị trí thích hợp. Thứ hai là chúng ta cần có định hướng để sử dụng người lao động được đào tạo ở nước ngoài một cách phù hợp để tránh tình trạng có lĩnh vực chúng ta thiếu, có lĩnh vực được đào tạo nhiều lại không có địa chỉ đầu ra.
PV: Xin cảm ơn Tổng cục trưởng!
PV thực hiện