Khăn duyên của phụ nữ Mường
Chiếc khăn duyên không chỉ giữ cho nếp tóc được gọn gàng, che cơ thể trước nhiệt độ thấp ở vùng núi rừng, mà còn gắn với nhiều sinh hoạt cộng đồng và có những ý nghĩa nhân sinh sâu sắc.
Huyền tích dân tộc Mường truyền rằng: "Xưa lắm ở Mường Dậm có chàng trai nghèo tên Khỏe yêu đắm đuối cô con gái nhà lang xinh đẹp tên là Út Dô. Do khác biệt về thân thế, bị gia đình ngăn cản, đôi trai tài, gái sắc không lấy được nhau đã dẫn đến một mối tình tuyệt vọng. Chàng Khỏe để bảo vệ bản làng đã tạm biệt người yêu và đã một mình chiến đấu với 2 con hổ.
Sau nhiều ngày giao tranh, chàng Khỏe đã ôm cả vợ
chồng hổ dữ lao xuống vực sâu ở núi Zang. Người dân Mường tránh được tai họa thú dữ, nhưng nỗi đau mất người yêu của nàng Út Dô chẳng ngày nào vơi cạn. Ngày ngày, nàng Út Dô vẫn ra bờ suối nơi chia tay với Khỏe để ngóng đợi người tình.
Út Dô lấy mảnh vải trắng chưa kịp nhuộm màu mà chàng Khỏe xé ra từ vạt áo tặng lại để lau nước mắt. Vào một đêm trăng sáng, nàng Út Dô đã chết, thân thể nàng hóa cây clang nở hoa trắng dọc hai bên suối. Từ đó, tất cả phụ nữ Mường đều đội một cái khăn trắng trên đầu để tưởng nhớ Út Dô và chàng Khỏe...
Chiếc khăn duyên đội đầu gắn bó khó rời với mái tóc của người phụ nữ Mường từ khi e ấp tuổi thanh xuân đến lúc thành bà, thành mế. Đó vừa là biểu tượng cho sự chung thủy, trong trắng, vừa là thông điệp thể hiện mơ ước có được cuộc sống êm đềm, hạnh phúc./.