Khám phá Bảo tàng của tinh thần Olympic tại Thụy Sỹ
Bảo tàng Olympic được xây dựng tại Lausanne, thành phố lớn thứ tư của Thụy Sỹ, cũng là nơi đặt trụ sở của Ủy ban Olympic quốc tế.
Đây là bảo tàng dành cho một ý tưởng đặc biệt. Ý tưởng này đã ra đời cách đây 99 năm, vào đúng ngày khai trương bảo tàng (23/6/1993), trùng với ngày thành lập Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) vào năm 1894. Đó là Tinh thần Olympic hiện đại, hội tụ 3 lhể thao, nghệ thuật và văn hóa. Việc thành lập Bảo tàng Olympic đã cụ thể hóa sự hội tụ ba lĩnh vực này.
Bá tước Pierre de Coubertin, người khai sinh ra các môn thể thao Olympic, đã đưa ra ý tưởng thành lập một Bảo tàng Olympic lần đầu tiên vào năm 1915, ngay sau khi IOC chính thức được lập ra ở Lausanne, Thụy Sỹ. Bá tước De Coubertin nghĩ rằng Bảo tàng Olympic không chỉ là nơi lưu giữ những vật lưu niệm của các vận động viên qua các kỳ Thế vận hội mà còn là biểu tượng của các ý tưởng về tinh thần Olympic.
Nơi hội tụ tinh hoa văn hoá nhân loại
Thể thao, nghệ thuật và văn hóa là ba “trụ cột” truyền thống của tinh thần Olympic. Bảo tàng Olympic là sự hội tụ những tinh hoa của nhân loại thể hiện ở ba lĩnh vực nói trên. Nhiệm vụ của bảo tàng định hướng cho công chúng nhận thức về tầm vóc thực sự của sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh. Bằng việc lưu giữ những hình ảnh và các biểu tượng qua các kỳ Thế vận hội, Bảo tàng Olympic muốn thể hiện một thông điệp là Olympic không đơn giản là một sự kiện thể thao, mà còn bao hàm các triết lý về cuộc sống.
Là nơi khiến khách tham quan không chỉ xem mà còn phải suy ngẫm, Bảo tàng Olympic cũng minh chứng vai trò của Thế vận hội trong xã hội hiện đại. Nó là bản nhật ký được thể hiện bằng chữ viết và bằng hình ảnh, về các kỳ Thế vận hội.
Trung tâm văn hóa sống
Khi Juan Antonio Samaranch lên làm Chủ tịch IOC vào năm 1980, ông đã ưu tiên cho việc thành lập một Bảo tàng Olympic và một Trung tâm nghiên cứu Olympic chất lượng ở Lausanne, đúng như mong muốn của Pierre de Coubertin, nhằm mục đích thúc đẩy và quảng bá tinh thần Olympic. J.A. Samaranch muốn biến bảo tàng này thành một trung tâm văn hóa sống gồm nhiều phòng trưng bày và triển lãm, được trang bị các công nghệ hiện đại nhất.
Việc xây dựng bảo tàng đã được bắt đầu vào năm 1988, sau khi IOC mua được mảnh đất đối diện hồ Leman, tại Ouchy.
Năm 1995, Bảo tàng Olympic được Hội đồng châu Âu mệnh danh là “Bảo tàng châu Âu của năm”. Danh hiệu này cũng vinh danh người đã có công thúc giục việc xây dựng nó: Tổng thống Samaranch. Bảo tàng Olympic ngày nay đã trở thành điểm đến hấp dẫn với các khách du lịch Lausanne. Từ khi thành lập đến cuối năm 2007, bảo tàng đã đón hơn 2,6 triệu du khách đến tham quan.
Kiến trúc sang trọng, quyến rũ
Bằng chứng cho kiến trúc quyến rũ của Bảo tàng Olympic chính là người xem không thể nhìn thấy nó. Bằng cách lại gần bảo tàng, khách tham quan bước lên công viên từ hồ Leman và chỉ phát hiện ra tòa nhà từng chút một, từng tầng một.
Bản thiết kế của hai kiến trúc sư, Pedro Ramirez Vazquez người Mexico và Jean-Pierre Cahen người Lausanne, có tính đến mong muốn của người dân Lausanne - công trình này phải nằm khuất trong thiên nhiên mà phải truyền bá được thông điệp cũng như các ý tưởng của Olympic như bá tước Pierre de Coubertin mong muốn. Kiến trúc bên trong bảo tàng do kiến trúc sư Miguel Espinet thực hiện.
Trung tâm bảo tàng là một không gian đón tiếp rất rộng với phần trưng bày ở hai bên. Một cầu thang xoắn ốc dẫn lên các tầng trên, các gian trưng bày, phòng thư viện và trung tâm nghiên cứu Olympic.
Tổng diện tích các phòng trưng bày rộng 4.380 m2. Không gian này được dành cho những triển lãm thường xuyên và ba khu vực triển lãm định kỳ. Ở tầng dưới, một phòng thu thanh rộng 273m2 có thể đón tiếp được 180 người một lúc. Có 4 phòng họp, lần lượt tên là Athènes I, Athènes II, Turin và Olympic mùa đông, có sức chứa từ 10 - 60 chỗ ngồi/1 phòng tùy theo hình dáng và được phân chia ở hai tầng trên của bảo tàng. Phòng ăn và một sân hóng mát ở tầng thượng cho phép du khách có thể ngắm cảnh hồ Leman.
Du khách cũng có thể xuống tầng hầm, nơi đây có thư viện, phòng video và một khoảng không cho trưng bày. Các phòng ban của trung tâm nghiên cứu Olympic cũng nằm ở tầng 1.
Khoảng 1.500 hoạt động, sự kiện được tổ chức hàng năm tại Bảo tàng Olympic: gồm các cuộc họp, hội thảo, họp báo, công bố sản phẩm, và cả sinh nhật, cocktail đám cưới hoặc các đêm gala.
Bảo tàng còn có một trung tâm kinh doanh thực sự, được trang bị hệ thống thông tin Swisscom Wireless Lan, du khách có thể truy cập internet tại đaâ. Các hệ thống máy chiếu với độ phân giải cao, thông tin vệ tinh, dịch song song… luôn sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của khách.
Thư viện của bảo tàng mở cửa cho tất cả mọi người. Vai trò của nó là tổ chức, quản lý và đem tới cho du khách một bộ sưu tập hoàn hảo nhất gồm các cuốn sách về phong trào Olympic, các môn thể thao Olympic. Ngoài ra, ở đây cũng có những cuốn sách về khoa học, y tế, kinh tế, pháp lý, xã hội học, nghệ thuật… liên quan đến thể thao nói chung.
Ngoài thư viện, bảo tàng cũng có phòng trưng bày các hiện vật về các môn thể thao trong các kỳ Thế vận hội mùa hè và mùa đông.
Điểm nhấn của bảo tàng là sân khấu đa phương tiện, được ví vonlà “Điều kỳ diệu của các trò chơi”. Đây là không gian của âm thanh và hình ảnh ghi lại một cách sống động các thời khắc đáng ghi nhớ của các kỳ Thế vận hội, kể từ Olympic Athens năm 1896 cho đến các kỳ Olympic gần đây nhất.
Thế vận hội Bắc Kinh trong Bảo tàng Olympic
Từ ngày 2/2/2008 đến 26/10/2008, trong khuôn khổ Thế vận hội lần thứ 29 ở Bắc Kinh, Bảo tàng Olympic được trang hoàng lộng lẫy bằng các màu sắc truyền thống của Trung Quốc, và có hẳn một chương trình gồm các hoạt động và giới thiệu về thể thao ở đất nước này.
Bước vào gian phòng trưng bày rộng lớn dành cho Thế vận hội Bắc Kinh, người xem sẽ choáng ngợp bởi một quả cầu lửa trong một giếng ánh sáng. Nó đặc trưng cho sức mạnh và ánh sáng của Trung Quốc. Quả cầu lan tỏa đến 4 điểm chính tương ứng với bốn không gian trưng bày khác nhau. Điều này liên hệ với cái tên của Trung Quốc (đất nước ở giữa). Theo thuyết vũ trụ truyền thống của Trung Quốc, đất nước này là trung tâm của bầu trời, trung tâm của thế giới và trung tâm của các nền văn minh.
Trên thực tế, khách đến thăm bảo tàng phải bắt đầu từ công viên vòi phun nước, biểu tượng của phía Nam. Tại đây, họ được tìm hiểu về lịch sử thể thao Trung Quốc và thế giới. Bước vào bảo tàng, họ sẽ tiến về phía Bắc (tầng 1). Khu vực này có trưng bày các hiện vật có chủ đề Thể thao và Xã hội. Tham quan khu vực này, du khách sẽ hiểu rằng Trung Quốc là “cái nôi” của nhiều môn thể thao. Đến thế kỷ XX, trong nước Trung Quốc hiện đại, thể thao đã trở thành sự mở rộng của việc huấn luyện quân sự. Vào những năm 70, thể thao đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ xích lại gần hơn giữa Mỹ và Trung Quốc. Cũng tại đây, người xem được khám phá các môn thể thao và các vận động viên của Trung Quốc hiện đại, cũng như lịch sử của các môn thể thao Olympic ở Trung Quốc. Chủ đề Xã hội đề cập tới dân số, mức sống, tổ chức xã hội và gia đình, sự nghèo đói và giàu có, sự tự do trong phong tục và sự Âu hóa…
Ra khỏi không gian này, khách tham quan sẽ tiến đến phía Tây (tầng trệt) để khám phá Đô thị & Kiến trúc và Môi trường. Chuyến thăm kết thúc ở phía Đông (tầng 1), du khách sẽ lạc vào một thế giới của Thiết kế và Chữ viết. Ở đây, người xem sẽ hiểu được sự ảnh hưởng của quá khứ lên các sản phẩm hiện tại liên quan đến Thế vận hội (huy chương, đuốc, linh vật và các biểu tượng Olympic khác).
Trung Quốc đang thay đổi từng ngày và khách tham quan cũng được chứng kiến sự vận động không ngừng của đất nước này ở mọi mặt và mọi chủ đề. Ý tưởng bao trùm của bảo tàng là nhằm mang đến cho du khách cảm giác được sống trong một không gian vận động, từ đất nước Trung Hoa truyền thống đến Trung Quốc đương đại. Trong suốt chuyến thăm, có những chặng dừng để du khách có thể xem lại các bộ phim, khám phá một đồ vật, đọc một văn bản hay nghe và nhìn những tài liệu bằng âm thanh và hình ảnh.
Chuyến thăm Bảo tàng Olympic chắn hẳn sẽ làm hài lòng ngay cả những du khách khó tính nhất đến đây. Vả sự trở lại của du khách với bảo tàng dường như là điều luôn được đoán trước./.