Non nước Việt Nam

Đền Lăng Sương (Phú Thọ) - Điểm đến của văn hóa tâm linh

Cập nhật: 03/08/2012 10:42:42
Số lần đọc: 3699
Động Lăng Sương xưa (xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy ngày nay) tương truyền là nơi sinh của bà Âu Cơ, là nơi Lạc Long Quân gặp Âu Cơ rồi nên vợ thành chồng.

Đền Lăng Sương nằm trong hệ thống các di tích thờ Tản Viên vùng ven sông Đà và vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ thờ Tản viên Sơn Thánh là một trong bốn vị thần “tứ bất tử” của tín ngưỡng truyền thống Việt Nam.

Với lòng tôn kính, ngưỡng mộ, nhân dân đã suy tôn Tản Viên là vị thần “Thượng đẳng tối linh”, “Đệ nhất phúc thần” đứng đầu “Tứ bất tử” trong tín ngưỡng cổ truyền người Việt. Đền Lăng Sương tự hào là mảnh đất đã sinh ra Thánh Tản. Đây có thể coi là mảnh đất “chôn nhau, cắt rốn” của vị thần linh tiêu biểu của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Cùng với tín ngưỡng thờ Đức Thánh Tản, đền Lăng Sương còn thờ Thánh Mẫu - người có công sinh ra Thánh Tản. Tín ngưỡng thờ Mẫu ở đây đã hòa cùng với tín ngưỡng thờ Mẫu chung của người Việt như Mẹ Âu Cơ, Đất Mẹ, Mẹ Nước…

Cổng đền có đôi câu đối “Thiên giáng thánh nhân bình bắc địch/ Địa lưu thần tích hiển Nam bang” (tạm dịch: Trời sinh thánh dẹp giặc phương Bắc/ Đất lưu thần tích hiến  trời Nam). Và “Lăng Sương cốt cách ngọc tinh thần/ Bả thác long linh giáng hạ trần” (tạm dịch nghĩa: Lăng Sương ngọc sáng, ngọc tinh thần/ Máng dấu rồng thiếng xuống hạ trần).

 

Đền chính có kiến trúc kiểu chức công (I) gồm 3 gian đại bái, ống muốn và 3 gian hậu cung. Trong tòa đại bái có xây bệ thờ tượng Cao Sơn và Quý Minh là bộ tướng có công giúp Tản Viên dẹp giặc Thục. Tòa hậu cung bài trí long ngai thờ Thánh Mẫu Đinh Thị Đen (mẹ của Tản Viên) và thờ đức Thánh Tản. Trong tòa hậu cung còn thờ Thánh phụ Tản Viên là ông Cao Hành, bà dưỡng mẫu (mẹ nuôi) là Ma Thị và công chúa Ngọc Hoa (vợ Tản Viên). Cách khu đến Lăng Sương khoảng 50 mét về phía Đông Bắc, tương truyền có ngôi mộ của Thánh Mẫu nay ở đó đã được xây thành lăng tẩm.

 

Hàng năm đền Lăng Sương mở lễ hội cổ truyền vào 25 tháng 10 âm lịch (là ngày giỗ Mẫu sinh ra Thánh Tản) và rằm tháng giêng - giỗ chính (là ngày sinh Thánh Tản). Về ngày giỗ Thánh Mẫu có liên quan đến sự tích gò Đống Bò cách đền chính hơn năm trăm mét có một gò đất nổi lên giữa cánh đồng Đầm Đành. Tương truyền hàng năm cứ đến ngày 24 tháng 10 là có một con bò không biết ở đâu tự nhiên về gò đó và nhân dân bắt mổ để tế lễ làm giỗ Đức Thánh Mẫu vào ngày 25 tháng mười hôm sau. Còn ngày giỗ chính của Đức Thánh Tản thì làng xóm rậm rịch mở hội từ những ngày trong Tết. Nhà nhà, dòng họ, các giáp chuẩn bị cỗ bàn, quần áo, mũ mão cùng nhiều vật dụng cho ngày lễ hội. Sáng 15 tháng giêng, các giáp rước cỗ ra đền và tập trung thành đoàn rước của xã kéo quân từ Đền ra sông Đà với mục đích là lấy nước sông Đà về làm lễ và đón mẹ nuôi của Thánh Tản bên Ba Vì về dự tiệc sinh Thánh. Tục lấy nước cũng thể hiện sự tôn thờ thần nước của cư dân lúa nước của người Việt xa xưa.

 

Lễ hội đền Lăng Sương là một trong những lễ hội lớn của vùng núi Tản sông Đà và những di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh. Lễ hội là sự kết hợp giữa di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể hiện còn được bảo tồn trên quê hương đất Tổ. Cùng với các di sản văn hóa khác, vùng đất Lăng Sương là mảnh đất chứa đầy huyền thoại, truyền thuyết với các tục hèm như thả diều, tục kiêng gọi tên húy…

 

Với những giá trị lịch sử và văn hóa tâm linh sâu sắc, đền Lăng Sương đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và DU lịch)ra quyết định số 25/2005/QĐ-BVHTT ngày 12/7/2005 xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

 

Di tích đền Lăng Sương đã được lập quy hoạch tổng thể nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị của các di sản văn hóa. Xây dựng Lăng Sương thành một điểm tham quan du lịch văn hóa tâm linh phục vụ du khách thập phương và phát triển kinh tế dịch vụ du lịch là hướng đi đúng của huyện Thanh Thủy và điểm đến của du khách thập phương./. 

Nguồn: website du lịch Phú Thọ

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT