Ðền Sái (Hà Nội) và hội rước Vua độc đáo
Thời vua An Dương Vương đền có tên gọi là Kim Khuyết Cung, thời nhà Mạc (1590) gọi là Quán Chân Linh, dân gian gọi là đền Sái.
Tương truyền vua An Dương Vương xây thành cứ ngày đắp đêm lại bị đổ, vì yêu ma Bạch Kê Tinh (tinh gà trắng) phá hoại. Ngày Tinh gà trắng trú ẩn ở núi Thất Diệu, đêm lại xuất hiện. Vua không có cách nào trừ khử, bèn lập đàn cầu khẩn, được Huyền Thiên Trấn Vũ sai thần Kim Quy (tức sứ Thanh Giang) hiện ra mách bảo kế giết Bạch Kê Tinh nên thành ốc mới xây xong. Tưởng nhớ công đức của Huyền Thiên, vua đã cho xây đền trên đỉnh núi Thất Diệu để thờ. Ðây cũng là nơi Huyền Thiên đã tu luyện và cũng được gọi là Vũ Ðương Sơn.
Lý Thái Tổ sau khi dời đô ra Thăng Long, đã đến núi Sái cầu Huyền Thiên và sinh được hoàng tử. Thấy công đức của Huyền Thiên rất to lớn, nhà vua đã cho xây đền Trấn Vũ (tức đền Quán Thánh) ở phía bắc kinh thành, xin rước hiệu duệ Huyền Thiên về ở đó để thờ. Ðến năm 1677, tượng được đúc bằng đồng đen cao 3,96 m nặng bốn tấn. Huyền Thiên trở thành vị thần trấn ngự phía bắc của "Thăng Long tứ trấn".
Hằng năm cứ đến tiết xuân, vua Thục lại đại hội quan quân về bái yết. Về sau thấy đại giá đi lại làm hao phí của dân nên vua giao cho dân làng thay mặt mình thực hành nghi vệ Thiên tử, giả xưng quan tước, một đô tướng, một phó đô tướng, một quan trấn thủ, một quan Tán lý, một quan Ðề Lĩnh, thay mặt Vua mà làm cho mạch nước bền dân cư yên ổn mãi mãi. Ngày nay, hằng năm dân làng lại chọn ra một người có đủ tài đức và có uy tín đóng vai vua và các quan tứ trụ cận vệ như Trấn thủ, Tán lý, Ðề lĩnh, Thự vệ để rước vào ngày 11 tháng giêng.
Tuy lễ hội diễn ra vào những ngày đầu xuân, nhưng đến nơi đây vào dịp nào người dân cũng thấy hương vị lễ hội, cái uy nghi của văn hóa một thời. Sự tiếp nối truyền thống giúp cho nhân dân sống đoàn kết và phát huy hào khí cha ông./.