Độc đáo hát ống, hát ví Liên Chung (Bắc Giang)
Thôn Hậu hội tụ đủ các yếu tố của một làng quê thuần Việt, mang đậm nét truyền thống nông thôn Bắc Bộ với đình Ao Vường cổ kính, cổng làng, giếng nước còn phủ bóng thời gian, con ngõ nhỏ dài hun hút, những rặng tre bám dọc đường làng… Người dân sinh ra trên vùng đất này dù còn nhiều vất vả song luôn lạc quan, yêu đời. Có lẽ chính vì thế nên tại đây sản sinh ra một loại hình văn hoá dân gian đặc sắc - đó là hát ống, hát ví. Các bậc cao niên trong làng kể lại: Hát ví, hát ống xuất phát từ nguồn vui trong lao động sản xuất nông nghiệp, dần dần được phát triển với nhiều loại hình như: hát hoạ, hát đố, hát giao duyên, giã bạn…
Thời phong kiến tại đây đã xuất hiện những canh hát ví, hát ống bên gốc đa của những tốp thợ cày, thợ cấy, có những canh hát kéo dài cả ngày trời, có khi hàng tuần trăng. Ông Nguyễn Văn Đài, 72 tuổi - một trong những người có công sưu tầm, khôi phục vốn văn hoá cổ truyền quý của quê hương cho biết: So với các loại hình dân ca khác, hát ví, hát ống có giai điệu đơn giản, gần gũi, dễ học, dễ thuộc, lời hát thường là những câu lục bát. Điểm mạnh của hát ví chính là ở ngôn từ phong phú, khả năng ứng biến linh hoạt của người hát cũng như sự sáng tạo trong lời bài hát. Trong quá trình hát, người hát có thể tự sáng tác sao cho phù hợp với hoàn cảnh.
Hát ống về bản chất vẫn là hát ví nhưng hai bên hát thông qua một dụng cụ là hai chiếc ống bằng tre có đường kính từ 7-10cm, dài chừng 15-20cm thông hai đầu, một đầu được bịt bằng da ếch, liên kết hai ống với nhau bởi một sợi dây tơ tằm buộc vào hai chiếc kim khâu. Tuỳ thuộc vào cự ly hát mà sợi dây dài hay ngắn, thường là từ 60 đến 70 sải tay. Khi hát, âm thanh làm các màng da ếch rung lên, tín hiệu âm thanh truyền qua sợi dây tới đầu ống bên kia, người nghe dù đứng xa hàng chục mét vẫn nghe rõ tựa như phát ra từ loa nhỏ. Đặc trưng của loại hình hát dân gian này là lối hát giao duyên, đối đáp nam - nữ. Có thể thấy những lời ca rất tình tứ của người con trai nói với người mình mến: Hỏi cô thắt cái bao xanh/Có về làng Hậu quê anh thì về/Làng Hậu có gốc cây đề/Có sông tắm mát có nghề làm ăn. Người con gái trả lời: Thương anh em cũng muốn về/ Chỉ e vụng dại bạn chê, người cười/ Thương nhau chín bỏ làm mười/ Thế gian cứ nhại ai cười mặc ai.
Trong hát ống có khi họ còn ca lên những câu bông đùa, giễu cợt, trêu chọc nhau giữa đội này với đội kia, gây cho nhau sự bực tức, nhưng mà không ghét, có bực mà không giận. Bên bị trêu chọc thì cố gắng suy nghĩ, tìm ra câu hát đáp lại cho thoả đáng: Tưởng rằng áo trắng là tiên/Thì ra áo trắng thiếu tiền mua nâu. Vội về xin chịu một câu/Nâu, nâu sẽ có một nâu trả lời… Lời giã bạn trong hát ống da diết nhớ nhung: Bây giờ bóng đã xế tà/Chàng gần ở lại, nhà xa em về…
Để bảo tồn, khôi phục và duy trì nghệ thuật hát truyền thống, tháng 04/2012, CLB hát ống xã Liên Chung được thành lập với 30 hội viên là những người đam mê ca hát. Ông Ngô Xuân Nguyên, cán bộ văn hoá xã làm chủ nhiệm CLB. Qua gần 6 tháng thành lập, đi vào hoạt động, các hội viên CLB đã tập hợp, sưu tầm được hàng trăm lời từ chính những nghệ nhân trong làng. Ông Nguyên khẳng định: Ở làng Hậu lứa tuổi 75-80 của làng còn nhiều người hát ống, hát ví giỏi như cụ Thâm, cụ Bơ, cụ Soạn. Lớp sau có các nghệ nhân như ông Đài, bà Lai, kế tiếp những người có giọng hát hay có công truyền dạy phải kể đến bà Khéo, bà Bính, ông Sang. Thế hệ trẻ hiện nay có các cháu như cháu Tân, Xuân, Nga đều là hạt nhân của phong trào. Được huyện, cơ quan chức năng quan tâm, phong trào luyện tập hát ống, hát ví ở thôn có cơ hội phát triển tốt. Chúng tôi coi đây như là báu vật của địa phương nên có trách nhiệm phải giữ gìn./.