Hội nghị “Phát triển du lịch tại làng nghề truyền thống lụa Vạn Phúc”
Hội nghị nhằm hướng tới xây dựng một số tuyến, điểm tham quan và hoàn thiện bài thuyết minh chuẩn tại các làng nghề, từ đó phổ biến đến các doanh nghiệp lữ hành, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch; Xây dựng mô hình sản xuất gắn với du lịch; Phát triển nguồn nhân lực phục vụ; Nâng cấp các điểm “Dịch vụ mua sắm đạt chuẩn” phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế.
Từ nhiều năm qua, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông, Hà Nội) trở thành điểm đến của đông đảo du khách trong và ngoài nước. Tuy vậy, khi sản xuất tại đây bị thu hẹp, để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, các hộ dân làng lụa Vạn Phúc đã nhập nhiều loại lụa từ nơi khác về kinh doanh như lụa Nha Xá, lụa Trung Quốc. Trong khi bán hàng, người dân không giải thích cho du khách nguồn gốc hàng hóa, mập mờ về sản phẩm khiến nhiều du khách mua nhầm lụa nơi khác, gây bức xúc cho người mua, ảnh hưởng tới thương hiệu lụa Vạn Phúc.
Để làng lụa Vạn Phúc thu hút được khách du lịch, đòi hỏi ngành du lịch cũng như người dân cần tăng cường liên kết trong việc xây dựng hình ảnh Vạn Phúc là điểm du lịch hấp dẫn.
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp du lịch lữ hành cũng đề xuất, các cấp chính quyền bên cạnh việc nâng cấp cơ sở sản xuất, cửa hàng giới thiệu sản phẩm nên có thêm hệ thống nhà hàng ăn uống, tổ chức chợ phiên… Các hoạt động này sẽ tạo điều kiện cho du lịch lữ hành xây dựng các chương trình tour, đồng thời "níu chân" du khách khi đến tham quan. Ngoài ra, Vạn Phúc cần thành lập bộ phận quản lý chất lượng sản phẩm làng nghề, kiểm tra các hộ sản xuất, kinh doanh, từ đó hạn chế đến mức cao nhất sản phẩm "nhái" thương hiệu lụa Vạn Phúc.
Sắp tới, ngành du lịch Hà Nội sẽ lựa chọn một số cửa hàng tại Vạn Phúc để thẩm định, sau đó công nhận điểm bán hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Những đơn vị này sẽ được cấp biển hiệu đạt chuẩn bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, từ đó giúp du khách dễ dàng lựa chọn khi tham quan và mua sắm./.