Khánh thành quần thể Tháp Chăm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Chương trình có sự tham gia của cộng đồng dân tộc Chăm và Raglai tỉnh Ninh Thuận, cộng đồng dân tộc Chăm tỉnh An Giang, cộng đồng dân tộc Chăm của 05 tỉnh, thành phố: Bình Thuận, Phú Yên, Bình Định, Đồng Nai, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh, cộng đồng dân tộc Hrê tỉnh Quảng Ngãi, các đơn vị: Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, Nhà hát Ca múa nhạc Biển Xanh tỉnh Bình Thuận và một số đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Tại buổi họp báo sáng ngày 15/11/2012, ông Nguyễn Đình Lợi, Phó Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức cho biết: Tổ chức các hoạt động Chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam và Khánh thành quần thể Tháp Chăm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) của Đảng về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và giới thiệu với nhân dân Thủ đô, nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc Việt Nam nói chung và dân tộc Chăm nói riêng, đồng thời giới thiệu, quảng bá, tôn vinh các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc, góp phần tăng cường sự đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc thông qua các nội dung hoạt động của chương trình và nhân dịp khánh thành quần thể tháp Chăm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Đây cũng là việc làm thiết thực nhằm quảng bá và giới thiệu về Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam - Ngôi nhà chung của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam tới đông đảo các tầng lớp nhân dân, địa chỉ văn hóa của Thủ đô và cả nước, điểm đến của du khách trong nước và bạn bè quốc tế.
Nội dung hoạt động chính tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam gồm có: Lễ mở cửa tháp - Khánh thành quần thể Tháp Chăm; Chương trình nghệ thuật chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, 82 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam và Khánh thành quần thể Tháp Chăm; Triển lãm trưng bày hiện vật, hình ảnh cộng đồng các dân tộc Việt Nam và dân tộc Chăm; Tái hiện một số nghi lễ của đồng bào Chăm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam như: lễ trưởng thành cho thiếu nữ Chăm, lễ cưới người Chăm...
Đặc biệt, tối ngày 23/11/2012, Chương trình nghệ thuật Chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, 82 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam và Khánh thành quần thể Tháp Chăm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, VTV4, VTV5 với nhiều tiết mục đặc sắc, trình diễn các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc. Đồng thời, cũng trong khuôn khổ các hoạt động Chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, sẽ diễn ra các hoạt động sinh hoạt tái hiện không gian văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân tộc Raglai, Hrê, Chăm... tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Tại buổi họp báo, Ban Tổ chức cũng cho biết, năm nay, Ban Tổ chức sẽ tạo điều kiện và bố trí cho du khách đến thăm quan Làng Văn hóa - Du lịch nghỉ tại cơ sở vật chất của Làng và các khách sạn xung quanh làng. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức cũng xây dựng kế hoạch chi tiết, bố trí các điểm trông xe niêm yết giá theo quy định nhằm đảm bảo an ninh trật tự trong suốt những ngày diễn ra các hoạt động tại Làng.
Được khởi công xây dựng từ năm 2008, nằm trong dự án Quy hoạch tổng thể Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Khu đền tháp Chăm là biểu tượng của nền văn hóa, tôn giáo của dân tộc Chăm. Tháp Chăm tại đây được xây dựng theo nguyên mẫu với tháp Po Klong Garai Ninh Thuận theo tỷ lệ 1:1, bao gồm: Tháp chính - tháp Kalan cao hơn 20 m, tháp cổng - tháp Gopura cao hơn 8 m và tháp hỏa - tháp Kosaghra cao hơn 9 m.
Tháp trung tâm được xây bằng gạch, có bốn mặt hình vuông đối xứng nhau. Mặt trước hướng về phía đông, có cửa ra vào, ba mặt còn lại ở 3 hướng và có 3 cửa giả. Tháp có 3 tầng được cấu trúc như nhau, càng lên cao càng thu nhỏ dần và kết thúc bằng một Linga bằng đá trên nóc tháp. Tất cả thành phần kiến trúc đi vào mảng khối, vòm cửa thu vào và vút cao hình mũi giáo. Trên mặt tường các trụ ốp được tạo với những đường gờ nổi chạy dọc thân tường tháp, các góc được tạo những phiến đá điểm cách điệu. Tất cả đều đúng như nguyên mẫu của tháp ở Ninh Thuận./.