Thừa Thiên – Huế: Bảo tồn phục hồi trang trí nội thất công trình Tả Vu
Dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt tiếp nhận tại Quyết định số 2126/QĐ-UBND ngày 14/11/2012 với tổng kinh phí thực hiện hơn 4,3 tỷ đồng. Trong đó nguồn tài trợ từ phía Đức là 139.660 Euro.
Tả Vu là một công trình phối thuộc Điện Cần Chánh tọa lạc phía bên trái của nền móng Điện Cần Chánh ngày nay, bên trong Tử Cấm Thành, thuộc khu vực Đại Nội Huế. Đây là công trình được xây dựng theo phong cách kiến trúc rất đặc trưng của triều Nguyễn. Theo các nguồn sử liệu, Tả Vu được xây dựng vào năm Gia Long thứ 18 (1819), ngay sau khi xây dựng xong Điện Cần Chánh. Vào năm Thành Thái thứ 10 (1899), công trình này được tu sửa nhưng vẫn tuân thủ theo nguyên tắc nghệ thuật kiến trúc Cung đình với những vật liệu truyền thống như gạch vồ và vôi vữa, mái nhà lợp bằng ngói ống tráng men xanh, các hàng cột hiên, cột nhà bằng gỗ với chân táng đá Thanh, trang trí sử dụng vữa bả màu, gắn mảnh sành sứ, các họa tiết bờ nóc, bờ quyết được thực hiện bằng kỹ thuật đắp nổi, khảm sành sứ, cổ diềm vẽ màu sống, phù điêu đắp nổi.
Đến năm 1923 (nhân chuẩn bị lễ Tứ tuần Đại Khánh của Vua Khải Định), công trình một lần nữa được tu sửa và có quy mô, hình dáng kiến trúc như ngày nay với diện tích nền là 565,2 m2. Trong giai đoạn này, tuy kiến trúc và công nghệ xây dựng công trình đã có sự ảnh hưởng phong cách châu Âu với trần nhà đã được thay bằng bê tông và sàn lát gạch hoa, nhưng vẫn giữ được hình dạng cấu trúc ban đầu. Đặc biệt, tường và trần nhà đều được trang trí, vẽ màu theo phong cách châu Âu với hoạ tiết thể hiện các chủ đề truyền thống của cung đình Huế như: “Tam sư huý cầu”, “Tam tinh”, “Lưỡng Long triều nghi”, “Lưỡng Long chầu nhật”, “Ngũ Phúc kiếm thọ”, “Cổ đồ bát bửu”, tứ linh, tứ quý, bát bửu, dây lá,…
Tả Vu là một công trình quan trọng, nếu Hữu Vu là toà nhà dành cho các quan Võ trước khi thường triều tại Điện Cần Chánh, thì Tả Vu là toà nhà dành cho các quan Văn. Đây là nơi các quan chuẩn bị nghi thức trước khi thiết triều, nơi làm việc của Cơ Mật Viện, nơi tổ chức thi đình và yến tiệc.
Công trình hoàn thành sẽ cùng với Hữu Vu (đã được tu bổ phục hồi vào những năm 1970-1980) góp phần cùng công trình Cần Chánh Chính Điện (đang được Trung tâm BTDTCĐ Huế phối hợp với Viện Di sản – Đại học Waseda nghiên cứu phục nguyên) tạo nên khu vực Điện Cần Chánh hoàn chỉnh./.