Non nước Việt Nam

Đà Nẵng phát hiện thêm một khu đền tháp Chăm ngàn năm tuổi

Cập nhật: 12/12/2012 16:03:32
Số lần đọc: 4300
Ngày 11/12, Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng tổ chức báo cáo kết quả khai quật đền tháp Chămpa (xã Hòa Phong, Hòa Vang, Đà Nẵng). Đây là khu đền tháp Chăm thứ 2 được phát hiện và khai quật sau khi khu đền tháp làng Phong Lệ đã được khai quật.

Kết quả nghiên cứu đã xác định được gần như toàn bộ quy mô, mặt bằng và cấu trúc nền móng kiến trúc đền tháp Champa tại khu vực có tên Cấm Mít (thuộc thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong, Hòa Vang, Đà Nẵng).

 

Trước đó, nhờ sự báo dẫn của các cán bộ Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng và nhân dân địa phương về việc tại đây đã phát hiện một số hiện vật của văn hóa Champa.

 

Tháng 6/2012, Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã tiến hành khảo sát địa điểm này. Qua đó, xác định nơi đây đã từng tồn tại một di tích đền tháp Champa.

 

Từ tháng 9/2012, hai bên đã phối hợp, khai quật với diện tích trên 500m2 tại khu vực Cấm Mít. Qua đó đã đưa lên khỏi lòng đất Cấm Mít nhiều loại hình di vật có giá trị nghệ thuật, nghiên cứu cùng nhiều thông tin có giá trị khác.

 

Di tích Cấm Mít là một tổ hợp kiến trúc phân bố trên một gò đất thấp rộng khoảng 1ha, xung quanh là các bãi phù sa cổ được bồi tụ bởi hai dòng sông Túy Loan và sông Yên. Di tích được quy hoạch gồm 3 đền tháp nằm ngang theo trục Bắc Nam, hướng về phía Đông (lệch Nam 5 độ), trước mặt là tháp cổng (có thể có cả tháp Hỏa ở phía đông nam và nhà bia ở phía Đông Bắc). Toàn bộ được bố cục trong khuôn viên có hệ thống tường bao bọc, phía ngoài là nhà dài nằm thẳng trục với tháp cổng và tháp giữa.

 

Qua kết quả khai quật, có thể nhận định niên đại của di tích khá cụ thể. Tháp Giữa được xây dựng đầu tiên cùng hệ thống đường đi phía đông nối với tháp cổng và rẽ sang hai bên, xung quanh được bao bọc bởi hệ thống tường thành, xây dựng trong khoảng thế kỷ X đến thế kỷ XI.

 

Bên cạnh đó, sự có mặt của vò gốm và một số hiện vật gốm sứ có niên đại thế kỷ XIII đến đầu thế kỷ XIV cho thấy tháp Nam và tháp Bắc cũng được xây dựng cùng khoảng thời gian này. Đây là thời kỳ tháp giữa, tháp cổng xuống cấp, tường thành bị hư hại cần sửa chữa, trùng tu.

 

Ba tháp chính đều có bình đồ hình vuông hoặc gần vuông, trong đó tháp Giữa được xây dựng sớm và có quy mô lớn nhất, tháp Bắc và tháp Nam được bổ sung sau và nhỏ hơn. Cửa chính của các tháp đều mở về hướng đông có quy mô, kích thước lớn hơn so với cửa giả ở các phía còn lại. Tháp cổng có bình đồ hình chữ nhật, mở hai cửa theo hướng đông - tây, đã được cải tạo và tịnh tiến về phía đông gần hơn với nhà dài. Tường bao cũng thay đổi cho phù hợp với việc tôn tạo xây thêm các kiến trúc mới.

 

Vật liệu tham gia xây dựng kiến trúc chủ yếu là gạch, ngói và đá. Tuy nhiên, sự vắng mặt của ngói lợp trong khu vực nhà dài cho phép chúng ta nghĩ đến khả năng kiến trúc nhà dài có bộ khung bằng gỗ, mái lợp bằng tranh tre, nứa lá hoặc mái vòm bằng gạch.

 

Các đề tài trang trí không phong phú hoặc chưa hoàn thiện về mặt tạo tác nên tính thẩm mỹ chưa cao, chủ yếu vẫn là hình tượng Garuda, tay lửa, lá đề,…về cơ bản vẫn là phong cách thô ráp và nổi khói. Điêu khắc trên gạch vẫn chiếm ưu thế, điều này được ghi nhận rõ qua các vết đục, đẽo, chạm khắc trực tiếp trên gạch tạo các mảng trang trí vòm cuốn, trụ ốp và chóp tháp…Sự nghèo nàn của các sản phẩm điêu khắc, sự vắng mặt của các tượng đá cho thấy đây là một khu đền tháp mang yếu tố và phong cách địa phương, nơi giáp ranh giữa miền xuôi và miền ngược.

 

Theo các nhà chuyên môn, di tích Cấm Mít là một trong các phế tích tháp Chăm hiếm hoi được làm rõ mặt bằng của cả 3 tháp chính cùng tháp cổng, nhà dài. Sự hoàn thiện về bố cục, quy mô, cấu trúc của mặt bằng di tích cho thấy đây là di tích có vị trí rất quan trọng trong tâm thức cư dân Champa thời bấy giờ. Ngoài chức năng là đền tháp thờ các vị thần, với việc xuất hiện của vò gốm men và đồ tùy táng nơi đây có thể còn mang vai trò của tháp mộ.

 

Ông Võ Văn Thắng - Giám đốc Bảo tàn điêu khắc Chăm Đà Nẵng cho biết: “Với việc khai quật di tích Cấm Mít, lần đầu tiên khảo cổ học Champa Đà Nẵng có cơ hội nghiên cứu cụ thể kỹ lưỡng về kết cấu tháp Chăm, vì đã đào đến tận sinh thổ”.

 

Theo ông Thắng, vấn đề muôn thuở đặt ra vẫn là làm sao để bảo tồn và phát huy giá trị di tích này. Hiện phương án trước mắt của các nhà nghiên cứu khảo cổ là lưu giữ di tích lại trong lòng đất, san lấp trả lại mặt bằng cho người dân, khi nào có điều kiện lại tiếp tục khai quật.

 

Tuy nhiên, trước hết phải hoàn thiện bản vẽ về khu đền tháp và đưa các hiện vật khai quật được về bảo quản tại Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Dự tính, trong thời gian tới, Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng sẽ phối hợp thực hiện dự án có quy mô lớn hơn./.

Nguồn: Báo Dân Trí

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT