Văn hóa truyền thống của dân tộc H’rê (Quảng Ngãi)
Người H’rê chủ yếu sống bằng nghề làm lúa nước và nương rẫy, săn bắn, hái lượm, đánh cá, dệt, rèn là những nghề phụ, nhưng có ý nghĩa đáng kể. Những con vật nuôi thông thường trong gia đình là trâu, chó, heo, gà, dê…
Trình độ canh tác nương rẫy ruộng nước của người H’rê đã ở mức phát triển cao. Đồng bào biết tận dụng thung lũng bằng địa, đất ven sông suối và chọn cây lúa nước làm cây trồng chính. Người H’rê lợi dụng địa hình để vỡ ruộng. Từ ruộng bậc thang trên đất dốc đến ruộng lầy thụt ở thung lũng, đầm cạn đều có thể cải tạo để canh tác lúa nước.
Mùa rẫy chỉ có một vụ kéo dài từ tháng ba tới tháng chín âm lịch. Bà con dùng rìu phát rẫy dùng rựa phát cỏ chờ khô rồi đốt theo lối hỏa canh. Canh tác rẫy theo lối chọc lỗ tra hạt, coi rẫy bằng chòi cao đề phòng chim thú phá rẫy và đợi đến làm cỏ, thu hoạch. Đặc biệt, săp tới mùa thu lúa rẫy bà con thường sử dụng bộ nhạc cụ đá, tre nứa nguyên sơ với suối nước tạo thành tiếng để xua đuổi chim thú.
Người H’rê định cư thành từng làng (plây) ở nhà sàn và có cả nhà trệt, có già làng đứng đầu trưởng thôn. Làng truyền thống của đồng bào H’rê có tên gọi theo địa danh đồi núi, sông suối tự nhiên nơi cư trú. Làng dựng ở nơi có nguồn nước sinh hoạt và sản xuất gắn liền với vùng canh tác. Đồng bào không du cư trường hợp thật đặc biệt như thiên tai địch họa, dịch bệnh mới dời làng. Mỗi làng thường có từ 40-50 nóc nhà.
Tục lệ H’rê khi ngủ nằm ngang sàn đầu quay về hướng đất thấp mặt thoáng, chân hướng về phía đất cao dốc núi. Bên trái đầu nhà nơi đàn ông ngủ và tiếp khách gia đình cuối nhà phía bên phải nơi ở của đàn bà, con trẻ. Nhà có hai cầu thang phía trước và phía sau. Trong nhà có hai bếp lửa bếp chính và bếp phụ.
Vận hành làng truyền thống của người H’rê gồm có người đứng đầu làng, người hòa giải, người cúng bái. Người đứng đầu làng thường là bậc cao niên từng trải, am hiểu rộng về luật tục về xã hội và vùng đất cư trú, kinh tế nổi trội được cộng đồng tín nhiệm.
Người H’rê trước kia không có họ, có tên đệm. Ngày nay, đồng bào tự nhận mình mang các dòng họ Đinh, Phạm, Nguyễn. Đàn ông người H’rê thường mặc khố (kapen) mặc áo màu đen, ống tay dài, cài khuy ở trước, áo dài không quá thắt lưng có viền vải đỏ trang trí bằng chỉ đỏ. Họ thường dùng 2 loại khăn bịt đầu: khăn đen quấn nhiều vòng, khăn trắng để quấn thành vòng, 2 đầu khăn cài phía trên hai vai, khi đi xa họ chít khăn màu đỏ.
Phụ nữ H’rê mặc váy (cà tu) khâu thành ống, dài trung bình 1,2 mét, khoảng giữa hẹp hơn, đoạn trên và đoạn dưới của váy bằng nhau. Rộng 5, 6 tấc, trang trí bằng sợi màu ở hai đầu váy, khi mặc trông như váy 2 tầng, phủ xuống dưới bắp chân. Áo cổ truyền của người phụ nữ 5 thân, nhuộm màu chàm sẫm, ống tay dài và hẹp, cài khuy bên phải gấu áo, sống lưng và bờ áo đều viền chỉ trắng, chỉ đỏ, mặc trong là yếm che ngực. Xưa, người H’rê có tục khi trưởng thành cắt 6 chiếc răng của hàm trên, tục này nay đã xóa bỏ.
Hôn nhân người H’rê không mang tính chất mua bán. Hiện tượng kết hôn với người khác tộc chưa phổ biến. Tùy hoàn cảnh gia đình của mỗi bên, càng rể có thể về nhà vợ hay cô dâu về nhà chồng. Khi vợ chồng sinh con đầu lòng thì tách khỏi cha mẹ làm nhà ở riêng thành đơn vị kinh tế độc lập. Đám cưới tùy theo bên nào đón người về (làm dâu hoặc ở rể) thì tổ chức nghi lễ lớn hơn. Họ mở tiệc mặn có rượu cần, ca hát vui vẻ. Gia đình chuẩn bị sẵn một bếp dành làm nơi ngủ cho đôi vợ chồng mới, tại đây diễn ra nghi thức tượng trưng cho sự gắn bó vợ chồng: Hai người trao nhau miếng trầu, bát rượu, quàng chung một vòng chỉ.
Người H’rê cho rằng lực lượng siêu nhiên gồm nhiều loại thần linh mang tên gọi khác nhau nhưng trong đó tín ngưỡng hồn lúa cùng các lễ thức trong quá trình sản xuất lúa chiếm vị trí đáng kể, tập trung vào hai giai đoạn của mỗi mùa lúa, khi gieo cấy và khi thu hoạch cất lúa vào kho.
Hàng năm cùng với việc canh tác họ thực hiện những nghi thức nhằm giữ gìn thần lúa, thần núi, thần sông, thần mưa, thần cây, thần đá phù hộ, cầu mong mưa thuận gió hòa, cây cối xanh tươi, mùa màng bội thu… con vật hữu sinh, người người bình an.
Cho đến nay trong tâm thức của đồng bào dân tộc H’rê, coi lễ hội cầu mưa là sự gắn liền hoạt động con người đối với các đấng siêu nhân, là sự giao thoa tâm linh của con người và các thần linh. Lễ hội cầu mưa được tổ chức từ 2 đến 3 năm một lần, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội của cộng đồng.
Đồng bào H’rê có truyền thống đấu tranh giữ làng giữ nước từ xa xưa. Từ ngày có Đảng và Chính phủ bà con một lòng đi theo cách mạng, tham gia tích cực vào các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đồng bào đã hoàn thành công tác định canh định cư và đang từng bước xóa đói giảm nghèo ổn định đời sống đồng thời phát triển kinh tế xã hội trong thời kỳ đổi mới. Việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống được đồng bào thực hiện gắn với cuộc vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hóa./.