UNESCO tôn vinh Nhã nhạc Việt Nam
Tại hội nghị "Bảo tồn Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam: kết quả hiện tại và định hướng tương lai" ngày 30/8 tại TP Huế, đại diện UNESCO đã cho biết như vậy.
Bà Françoise Rivière, Phó Tổng Giám đốc phụ trách văn hóa UNESCO, cho hay: “Trong danh sách này, Nhã nhạc sẽ tiếp tục được hỗ trợ theo những mục tiêu của Công ước năm 2003, đảm bảo sự tôn trọng đối với di sản văn hóa phi vật thể và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản đó ở cấp địa phương, quốc gia, và quốc tế”.
Nhã nhạc là một bộ phận của âm nhạc cung đình Việt Nam, khởi nguồn dưới triều nhà Hồ (1400 - 1407), cực thịnh vào thời Nguyễn (1802 - 1945). Nhã nhạc là loại hình âm nhạc thiêng liêng, chỉ dùng trong các dịp đại lễ trang trọng của triều đình và những cuộc cúng tế thần linh, tổ tiên của triều đại.
Dự án "Bảo tồn và phát huy nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam" được triển khai từ năm 2005, có tổng kinh phí 354.900 USD (154.900 USD do Quỹ ủy thác Nhật Bản tài trợ thông qua Tổ chức UNESCO, phần còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam) đã phục dựng, phục chế nhiều bản nhạc cổ, trang phục, vũ phục, nhạc cụ cơ bản của Nhã nhạc, tư liệu hóa và truyền dạy, quảng bá Nhã nhạc trong công chúng.
Đây là một dự án phi lợi nhuận, được coi là dự án mẫu về nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể tại Việt Nam. Mặc dù vậy, vẫn còn khá nhiều khó khăn trong việc bảo tồn, phát huy loại hình văn hóa đặc sắc này do thiếu sử liệu, tuổi tác của số ít nghệ nhân còn sống, nghiệp vụ của cán bố nghiên cứu hạn chế…