Độc đáo ẩm thực Jordan
Thuộc khu vực Trung Đông, Jordan được biết đến là quốc gia Hồi Giáo “mở” so với các quốc gia khác trong khu vực. Cái “mở” của Jordan được mọi người nhìn nhận ở khía cạnh kinh tế: không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, Jordan mong muốn trở thành trung tâm dịch vụ về tài chính và công nghệ thông tin của khu vực, giống như Dubai (UAE) và Doha (Qatar) đang thực hiện. Nhắc đến Jordan, người ta không thể nào quên một thành phố “hoa hồng đỏ” hay được gọi là thánh địa Petra - một trong bảy kỳ quan mới của thế giới - bởi sự sáng chói của nó. Hàng năm, Petra đón tiếp rất nhiều lượt du khách cũng như các đoàn làm phim của Holywood đến đây để chiêm ngưỡng “nét đẹp của đá”. Không chỉ có Petra, Jordan còn có những điểm đến khác rất thú vị: Citadel ở Amman, biển Chết, thành phố Jerash, sa mạc Rum, hay lâu đài Qasr Amra…
Ẩm thực Jordan - Sự kết hợp của phong cách truyền thống
Nằm trên sa mạc Sahara kéo dài từ Ai Cập qua vùng Trung Đông và có nguồn gốc xuất phát từ các bộ lạc du canh du cư nên ẩm thực của người Jordan là sự kết hợp độc đáo, nhuần nhuyễn các phong cách nấu ăn truyền thống của người Ai Cập du cư, người Palestin, người Ai Cập gốc… Người Jordan vẫn sử dụng rất nhiều gia vị như các quốc gia Hồi Giáo khác. Tuy nhiên, họ sử dụng ở mức độ vừa phải nên thức ăn của họ tương đối nhẹ mùi. Điều đặc biệt, họ thường sử dụng những loại gia vị thảo mộc tươi như lá trà, lá chanh, lá quế,… hay các loại hạt để ướp thức ăn thay cho gia vị được chế biến sẵn, vì thế thức ăn có mùi thơm rất lạ và rất riêng.
Lương thực chính trong các bữa ăn của người Jordan là bánh mì. Cơm là loại thực phẩm “xa xỉ “ và chỉ sử dụng như là món ăn đặc biệt trong những ngày lễ.
Có 4 loại bánh mì truyền thống thường được sử dụng tại Jordan: bánh mì Khubz hay còn gọi là Kobez (có hình dáng như chiếc bánh tiêu), Shark (có hình dáng tròn to bằng cái mâm cơm), Taboon và Abud. Trong bốn loại trên, Kobez và Shark thường được sử dụng nhiều nhất. Các loại bánh mì này được bán theo kí lô ở các quầy, nên việc xếp hàng tại các quầy bánh để mua cũng là chuyện thường thấy trong một ngày ở Jordan. Tuy nhiên, do lượng du khách đến nhiều, các quầy bánh mì cũng bắt đầu sản xuất loại bánh mì theo kiểu “tây” và rất giống bánh mì Việt Nam. Đó chính là các loại bánh mì Taboon và Abud.
Nguồn đạm cung cấp cho người Jordan chính là thịt trừu và thịt dê. Món ăn truyền thống của người Jordan mà du khách có thể bắt gặp ở mọi lúc mọi nơi ở các quầy trên đường phố chính là món Mansaf: gồm thịt trừu nấu với các loại gia vị thảo mộc và yogurt. Bất kể sáng hay trưa hoặc chiều tối, người Jordan sử dụng món Mansaf như là món ăn “tinh thần” không thể thiếu trong cuộc sống của họ. Ăn kèm với món này thường là cà chua, dưa leo, ớt xanh và một loại nước chấm đặc biệt có hương vị chua và cay.
5 loại thức uống cơ bản
Cũng giống như các quốc gia Hồi Giáo khác, những thức uống có cồn gần như không được phổ biến tại Jordan. Có 5 loại thức uống cơ bản tại Jordan bao gồm: Shaneeneh (các loại thức uống làm từ sữa dê), cà phê, trà, nước ép hoa quả và Sahlab (sữa dê trộn chung với dừa bào và cho thêm hương vị quế). Trong các loại thức uống nói trên, có lẽ trà và cà phê là hai loại thức uống được ưa chuộng nhất tại Jordan. Khi dùng trà, người Jordan thường thêm một vài lá bạc hà hay lá quế cây vào để ly trà có hương vị thơm hơn. Khác với Việt Nam, thông thường cà phê được pha phin, người Jordan lại chế biến khác: họ cho cà phê vào ly đã có đường, đổ đầy nước sôi vào và đánh lên cho cà phê có bọt trên đầu ly. Một ít phút sau, xác cà phê lắng xuống dưới đáy ly và họ bắt đầu uống.
Người Jordan sử dụng rất nhiều đường trong thức uống, đến mức độ uống trà hay cà phê, du khách có cảm giác là uống một... ly nước đường. Các loại bánh ngọt hầu hết được thêm rất nhiều hương vị vào, nhưng phổ biến nhất là vị quế. Cũng như thức uống, bánh ở Jordan dùng nhiều đường, nên rất ngọt.
Nhắc đến Jordan hay các quốc gia vùng Trung Đông khác, có hai loại trái rất nổi tiếng là chà là và ô-liu. Trái chà là thường được sử dụng dưới 2 dạng: chà là tươi dùng như một loại trái cây ăn tráng miệng và chà là phơi khô để làm mứt. Trái ô-liu ngoại trừ việc chiết xuất để lấy dầu, người ta còn muối trái để làm thức ăn kèm trong bữa ăn.
Mặc dù đang trong giai đoạn mở cửa để trở thành trung tâm công nghệ và tài chính của khu vực, nhưng văn hóa của người Jordan cũng chưa thay đổi nhiều. Ẩm thực của Jordan, vì thế, vẫn mang đậm chất của người Hồi Giáo và có một chút gì đó rất riêng của chính họ./.