Non nước Việt Nam

Đền Đinh Tiên Hoàng (Ninh Bình) – Đểm du lịch văn hóa lịch sử đầy hấp dẫn

Cập nhật: 14/01/2013 15:51:39
Số lần đọc: 3629
Đến với Ninh Bình, du khách sẽ được khám phá vùng đất bao la, hùng vĩ của núi rừng, với những thắng cảnh tuyệt đẹp làm say đắm lòng người, không chỉ vậy không gian dường như đưa ta trở lại với đất nước Việt Nam thời đầu lập quốc, qua việc khám phá kinh đô cũ với một chút hoài cồ và niềm tự hào vô bờ. Một trong những điềm đến nổi tiếng nơi đây là đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, nổi bật với nét uy nghiêm, cổ kính và tồn tại như một nhân chứng lịch sử hào hùng trên vùng đất Cố đô xưa.

Đền Đinh Tiên Hoàng nằm trong khuôn viên rộng 5 ha, thuộc quần thể di tích cố đô Hoa Lư tọa lạc ở xã Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình. Đền được xây dựng vào khoảng thế kỷ 17, là một kiến trúc độc đáo trong nghệ thuật chạm khắc gỗ và đá, do nhân dân Hoa Lư xây dựng để thờ và tưởng nhớ công lao Vua Đinh Tiên Hoàng, người đã khai sinh ra nhà nước phong kiến đầu tiên của nước Việt.

Tương truyền đền được xây trên nền cung điện kinh đô Hoa Lư xưa, là đất tiền thủy hậu sơn theo phong thủy do phía trước đền có sông Sào Khê chảy ngang qua, sau lưng có dãy núi Long Triều và ngay trước mặt có núi Mã Yên như một tấm bình phong che chắn. Đền có lối kiến trúc “nội công, ngoại quốc” nghĩa là ba tòa nhà chính gồm bái đường, thiêu hương và chính cung tạo thành hình chữ “công”, tường thành bao quanh khu đền tạo thành chữ “quốc”, đây là lối kiến trúc đặc trưng thường thấy trong các ngôi chùa ở Việt Nam. Bên trong lối đi chính được sắp xếp tạo thành hình chữ “vương” được gọi là Chính đạo giống như tên gọi của lối đi trong cung điện xưa kia.

Ngoài cùng là ngọ môn quan nằm phía bắc của đền. Phía trên cửa có hàng đại tự “Bắc môn tỏa thược” (cửa bắc khóa chặt) với ý nghĩa tránh gió phương bắc nhưng đồng thời cũng mang hàm ý khi vua Đinh lên ngôi thì chấm dứt thời kỳ đô hộ của phương Bắc. Đi qua cửa khoảng 20m, phía tay phải là một bức bình phong lớn, theo phong thủy bình phong giúp án ngữ gió độc và những điều chẳng lành. Phía sau bình phong có hồ nước bán nguyệt được thả đầy hoa súng. Đối diện với bình phong là sập long sàn bằng đá, hai bên có hai nghê chầu bằng đá xanh nguyên khối gợi lòng sùng kính đối với vua Đinh, đây cũng là nơi bắt đầu của đường Chính đạo.

Qua sập đá đến Nghi môn ngoại tức cửa tiếp đón với hình dạng nhà ba gian không có tường bao quanh, các cột, xà đều làm bằng gỗ lim, mái lợp ngói mũi hài. Các đầu xà, bức mê được chạm trổ hình tượng rồng lộng lẫy do được sơn son thiếp vàng. Ngoài Nghi môn ngoại, trong đền có rất nhiều chi tiết được chạm trổ họa tiết hình rồng vì theo quan niệm của người Việt Nam, rồng là linh vật thần thoại, tượng trưng cho thiên mệnh cao cả và tối thượng.

Lui vào chút nữa là đến Nghi môn nội với kiến trúc và họa tiết tương tự với Nghi môn ngoại, đây là cửa dẫn đến khuôn viên đền, một không gian yên tĩnh, mát mẻ với những cây đại thụ hàng trăm tuổi. Đi hết đường Chính đạo qua hai cột trụ lớn là đến sân rồng. Giữa sân rồng có một lư hương lớn được làm bằng đá xanh nguyên khối, chạm nổi hình hai con rồng chầu nguyệt rất tinh xảo. Phía sau lư hương là Long sàng cũng được làm bằng đá xanh nguyên khối. Vì tượng trưng cho bệ rồng lúc vua ngự triều nên Long sàng được điêu khắc với những họa tiết rất đẹp. Bề mặt của Long sàng được tạc nổi hình con rồng với dáng vẻ uy dũng, hai tay vịn là hai con rồng dáng vẻ thanh cao đang uốn mình trên tầng mây. Xung quanh long sàn có hai hàng chân, cột để cắm cờ bát biểu, vũ khí trong ngày hội, tượng trưng cho các thứ bậc của quan quân văn võ, trong đó có mười thanh long dao tượng trưng cho mười đạo quân.

Phía sau Long sàng là điện thờ vua Đinh Tiên Hoàng. Cấu trúc điện gồm: Bái đường, Thiêu Hương và Chính cung. Trong đó Bái đường được xem là công trình có kiến trúc nổi bật nhất trong khuôn viên đền. Nghệ thuật điêu khắc ở đây đạt đến trình độ điêu luyện, các nghệ nhân dân gian đã thể hiện rất phong phú kết hợp khéo léo giữa chạm nổi với chạm lộng, đây là cách chạm khắc biểu cảm nhất, có hiệu quả không gian và hiệu quả khối cao nhất, cả thân gỗ được đục khoét tạo các khoảng trống được luồn lách trong khối tượng, khiến cho các mảng chạm khắc gỗ rất sinh động và có hồn. Hiên Bái đường có 12 cột gỗ lim bề thế và vững chãi, với đường kính khoảng 0,5m, đặt trên những tảng đá cổ bồng lớn. Gian giữa Bái đường để bàn thờ công đồng, phía trên có một bức đại tự sơn son thiếp vàng có ghi hàng chữ: “Chính thống thủy” với ý nghĩa ca ngợi Đinh Tiên Hoàng là người đã có công thống nhất quốc gia, mở nền chính thống cho nước nhà. Hai bên cột giữa có treo câu đối: “Cồ Việt Quốc đương Tống khai bảo – Hoa Lư đô thị Hán Tràng An” nghĩa là: Nước Đại Cồ Việt sánh ngang niên hiệu khai bảo đời nhà Tống - Kinh đô Hoa Lư như kinh đô Tràng An của nhà Hán.

Tiếp đến là Thiêu hương, kiến trúc theo kiểu ống muống, nơi thờ tứ trụ triều đình tức các quan trung thần của nhà Đinh. Đi hết tòa Thiêu hương sẽ đến chính cung 5 gian, công trình cuối cùng trong khuôn viên đền. Gian giữa chính cung thờ tượng vua Đinh Tiên Hoàng bằng đồng sơn son thiếp vàng, đầu đội mũ Bình thiên, mặc áo Long cổn, mang đai ngọc. Ngài ngồi trên ngai, được đặt trên sập rồng bằng đá, dáng rất uy nghi, đường bệ như đang thiết triều. Hai bên chiếc sập cũng có hình phù điêu hai con rồng bằng đá. Gian bên phải thờ tượng thái tử Hạng Lang và Đinh Toàn đều quay mặt về phía Bắc, là hai con thứ của vua. Gian bên trái thờ tượng Nam Việt Vương Đinh Liễn quay mặt về phía Nam là con trưởng của vua. Các tượng Hoàng nhi đều bằng gỗ mít sơn son thiếp vàng với dáng vẻ khiêm tốn, đều ngồi ở thế chầu, tay khoanh trước bụng, đầu đội mũ ô sa.

Điểm nổi bật ở Chính cung là các mảng ván chạy suốt xà lòng có hình những đàn rồng được chạm tỉa công phu. Kỹ thuật chạm nổi và chạm lộng của các nghệ nhân tài hoa đã làm cho những con rồng như đang bay trên mây. Những con rồng trông rất sống động với nhiều hình thái khác nhau tạo cho Chính cung một vẻ rực rỡ không khác gì cung điện thu nhỏ.

Đền vua Đinh Tiên Hoàng là một công trình kiến trúc độc đáo trong nghệ thuật chạm khắc gỗ của các nghệ sĩ dân gian Việt Nam ở thế kỷ 17. Đây cũng là công trình nghệ thuật đặc sắc với nhiều cổ vật quý hiếm được bảo tồn và là điểm du lịch văn hóa lịch sử đầy hấp dẫn dành cho du khách khi đến với Ninh Bình./.

Nguồn: website dulichninhbinh.org

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT