Thú vị tham quan không gian văn hóa chè Thái Nguyên
Tại km10 của lộ trình đi, trong một không gian xanh ngút ngàn của những đồi chè xanh mơn mởn, Không gian văn hóa chè hiện lên như một nét chấm phá tinh tế, giàu giá trị nghệ thuật của bức tranh làng quê thanh bình và trù phú. Công trình Không gian văn hóa chè đã được Thái Nguyên lựa chọn và quyết định đầu tư xây dựng nhằm phục vụ Liên hoàn trà quốc tế lần thứ nhất Thái Nguyên năm 2011. Đứng từ xa nhìn vào, du khách sẽ cảm nhận thấy Không gian văn hóa chè là công trình văn hóa, có kiến trúc độc đáo với một không gian mở. Mỗi hạng mục của công trình đều mang dấu ấn thời gian và nghệ thuật. Phía trước công trình là một không gian thoáng đãng để từ đó các hoạt động lễ hội, đón tiếp, quảng bá du lịch được diễn ra nhằm thu hút các đoàn du khách đến thăm quan, nghiên cứu và thưởng thức nét văn hóa và đặc sản chè Tân Cương.
Nhà trưng bày là hạng mục chính của Không gian văn hóa chè. Công trình được thiết kế với công năng hội tụ ba không gian kiến trúc chính: Không gian đón tiếp; Không gian trưng bày hiện vật và không gian giới thiệu văn hóa chè và sản phẩm trà. Nhà trưng bày đóng vai trò như một bảo tàng quy mô nhỏ mà ở đó Bảo tàng Thái Nguyên đơn vị được giao quản lý và khai thác giá trị công trình đã khắc hoạ một câu chuyện trọn ven về dòng đời của chè tại Thái Nguyên. Cây chè là nhân vật chính, như một nhân chứng về lịch sử, nét văn hoá mang đậm yếu tố truyền thống của của người dân vùng chè từ khâu nuôi trồng, chăm sóc, thu lượm và chế biến chè.
Anh Bùi Huy Toàn, Giám đốc Bảo tàng Thái Nguyên được biết: Sau khi công trình không gian văn hóa chè hoàn thành, đơn vị đã được UBND tỉnh và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch giao nhiệm vụ bảo quản và khai thác hiệu quả công trình. Đơn vị sắp xếp, bố trí nhân sự làm việc 3 ca liên tục tại Không gian văn hóa chè. Đơn vị đã tổ chức sưu tầm, trưng bày trên 500 các tài tiệu hiện vật về chè, nét văn hóa trà; tổ chức đón tiếp các đoàn khách trong nước và quốc tế đến thăm quan và tìm hiểu. Hiện nay tại đây đang lưu giữ và trưng bày nhiều nhóm các tài liệu và hiện vật nhằm giới thiệu lịch sử và sự phát triển của chè, nét văn hóa chè độc đáo. Trong số đó có nhiều nhóm tài liệu, hiện vật quý như: Nhóm tài liệu và hiện vật về trồng, chăm sóc, chế biến chè; nhóm hiện vật ấm trà cổ...
Thông qua những tài liệu, hiện vật và nội dung trưng bày, du khách sẽ cảm nhận được sự độc đáo của điều kiện tự nhiên cho cây chè phát triển, thấy được những giá trị lịch sử, văn hóa của chè và đồng thời cũng cảm nhận được sự vất vả một nắng hai sương của người dân vùng chè. Mỗi chúng ta khi nâng chén chè thơm nồng và đậm đà lên môi cũng từ đó mới thấy được những giá trị của cuộc sống và nét tinh tế của người dân vùng chè. Điều đó có nghĩa thương hiệu chè Thái Nguyên nói chung và thương hiệu chè Tân Cương nói riêng không phải tự nhiên hay vô tình có được, mà trên thực tế do sự bồi tụ và lắng đọng của thời gian theo dòng chảy lịch sử mà ở đó đất chè đã chắt chiu cho sự sống, phát triển của chè và người trồng chè, người thưởng trà đã gây dựng lên nét văn hóa trà độc đáo.
Đến nay sau 1 năm chính thức đi vào hoạt động, tại Không gian văn hóa chè Bảo tàng Thái Nguyên đã tiếp đón hàng trăm đoàn khách trong nước và quốc tế đến thăm quan. Một trong số các đoàn khách đó phải kể đến đó là: Đoàn khách Ấn Độ; Pakistan; Trung Quốc; Nhật Bản; Đoàn Chính phủ Lào... Sau một chu trình đi thăm quan, được nghe, được cảm nhận, các đoàn khách sẽ được biết thêm những điều chưa biết về chè, được hiểu sâu sắc hơn những điều đã biết về đất chè, cây chè, sản phẩm trà và nét văn hóa trà độc đáo đang lưu giữ tại nơi đây. Không gian văn hóa chè cũng đã lưu lại những dòng lưu bút đầy cảm súc của các đoàn khách trong nước và quốc tế. Đoàn du khách Trường Đại học khoa học và nhân văn đã ghi lại: “Đặt chân đến vùng chè Tân Cương chúng tôi có cảm nhận nơi đây có một không gian sống yên bình, tự nhiên, thoáng đãng và giàu tiềm năng. Điểm nhấn của vùng chè chính là Không gian văn hóa chè Tân Cương. Đến đây chúng tôi cảm thấy thật thú vị vì được hiểu thêm về nét văn hóa chè độc đáo của Thái Nguyên nói riêng và của các vùng chè trong nước và quốc tế nói chung”./.