Quảng bá năm di sản văn hóa phi vật thể tại Đà Lạt
Đây là lần đầu tiên năm loại hình di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được UNESCO công nhận từ năm 2003-2011 cùng xuất hiện trong trong một đêm biểu diễn nghệ thuật, với chương trình quảng bá và giao lưu các di sản, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng tỉnh Lâm Đồng tổ chức, có sự tham gia của 140 nghệ nhân đến từ 10 đoàn nghệ thuật.
Từ vẻ đẹp bác học, sang trọng của Nhã nhạc cung đình Huế với các bài “Tam luân cửu chuyển,” “Du xuân;” đến nét gần gũi, mộc mạc của nghệ thuật ca trù với “Dạo Hồ Tây,” “Hát ru” qua tiếng ca của các đào nương đến từ các giáo phường của Hà Nội; từ nét quyến rũ, da diết của dân ca quan họ do các liền anh, liền chị đến từ Bắc Giang, Bắc Ninh thể hiện qua các bài “Nam nhi,” “Nguyệt gác mái đình;” đến hát xoan của các nghệ nhân Phú Thọ mang nhiều nét trang nghiêm, tín ngưỡng qua các bài "Trống quân đón đào," "Xin huê - đố huê;" đều mang đến cho người nghe những ấn tượng và cảm nhận hết sức thân quen của nghệ thuật dân gian, nghệ thuật truyền thống thấm đẫm hồn dân tộc.
Và giữa vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ, âm vang của cồng chiêng lại vang lên rộn rã với phần trình diễn cồng chiêng của nghệ nhân thuộc năm dân tộc đến từ năm địa phương của Tây Nguyên gồm K’ho của Lâm Đồng; Ê đê của Đắk Lắk, M’nông ở Đắk Nông; Xơ đăng của Kon Tum và Gia Rai thuộc Gia Lai. Mỗi nơi mỗi vẻ, nhưng tựu trung là vẻ đẹp chung, nét đặc sắc rất riêng của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, được đồng bào các dân tộc bản địa gìn giữ đã bao đời trong các sinh họat cộng đồng, tín ngưỡng dân gian như cúng mừng lúa mới, đón khách, rước trống về nhà, lễ đâm trâu...
Không chỉ là cuộc hội ngộ văn hóa đặc biệt lần đầu tiên được tổ chức, chương trình biểu diễn, quảng bá năm di sản lần này chính là cơ hội sinh động để cộng đồng các dân tộc thể hiện lòng tự hào của mình, là thời điểm đáng nhớ cho mục tiêu mở rộng, đẩy mạnh quảng bá giá trị di sản, phát triển du lịch văn hóa trong phạm vi cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam và quốc tế./.