Non nước Việt Nam

Lễ hội Cầu bông ở Hội An, Quảng Nam

Cập nhật: 19/02/2013 09:58:01
Số lần đọc: 2075
Thường niên vào mồng 7 tháng giêng âm lịch, nhiều du khách khắp nơi lại đổ về làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà, TP.Hội An) để cùng người dân nơi đây dự lễ hội cầu bông.
Lễ hội cầu bông là dịp để người dân làng Trà Quế bày tỏ lòng thành kính với các bậc tiền nhân có công khai phá làng rau. Đồng thời cũng là dịp để nhân dân cầu mưa thuận gió hòa, làng rau bội thu và giới thiệu với du khách về nghề trồng rau truyền thống 500 năm của mình.

Từ sáng sớm dù trời đang mưa, các bậc cao niên trong thôn đã tập trung về đình làng để chuẩn bị cho buổi lễ cầu bông. Trước đoàn nghinh thần là hai hàng cờ, biển, theo sau kiệu thần là trống chiêng, đồ gia lễ, đội nhạc cổ và các nghệ nhân, các bô lão trong sắc phục áo dài, khăn đóng tiến về đình làng. Lễ nghinh thần của làng rau Trà Quế bao giờ cũng có thêm phụ nữ mặc áo dài, trên tay bưng mâm ngũ quả.
 

Người dân làng rau Trà Quế rước lễ.

Trong khi đó, tại mỗi gia đình trong thôn cũng bày biện một mâm lễ vật để cầu bông. Sau khi các gia đình trong thôn cúng xong thì tập trung về đình làng dự lễ cả làng. Đúng 8 giờ sáng, 6 tổ trong thôn cử người bưng mâm cỗ tiến về đình làng.
 

Dâng lễ cầu bông.

Các phẩm vật được dân làng dâng cúng trong lễ cầu bông ở làng rau Trà Quế là các sản vật từ chăn nuôi và trồng trọt trên đất làng. Lễ vật nhất thiết phải có một con gà trống thiến miệng ngậm hoa và mâm xôi nhuộm màu được cắm hoa rực rỡ. Các bô lão trong làng khăn mão chỉnh tề rước mâm lễ của mỗi tổ về nơi tế lễ ngay giữa những luống rau xanh tươi mơn mởn của làng.
 

Lễ vật luôn đầy đặn và có hoa tươi.

Sau khi các mâm cỗ của các tổ được bày biện, vị chánh bái đốt nhang và xướng “Khởi chinh cổ” thì nghi lễ cầu bông chính thức được bắt đầu.

Ông Hồ Gỉa (70 tuổi) cho biết “Trong nghi thức cúng, văn tế có nội dung tôn vinh, ngưỡng vọng công đức tổ tiên, những bậc tiền hiền có công khai hoang lập nên làng rau truyền thống hơn 500 năm qua. Những câu xướng của vị chánh bái cầu cho mưa thuận gió hòa mùa màng bội thu”.

Sau khi tế lễ xong, thanh niên trong thôn phụ giúp các bậc tiền hiền hạ cây nêu. Các cụ cao niên tập trung lại để xem giò gà đầu năm, nếu giữa bàn chân gà đầy đặn thì xóm làng bình an, khá giả, hoa trái tốt tươi. Đó cũng nghi thức để bà con làng rau làm lễ tịch điền đầu năm.

Sau phần lễ, phần được đông đảo bà con trong vùng và du khách hào hứng tham gia là phần hội. Mỗi năm lịch thi có khác nhau. Năm nay hội thi mang tên chủ đề: nông dân khéo tay và những bà nội trợ tài năng làng Trà Quế.
 

Lễ hạ cây neo để người dân tịch điền.

Trong khoảng thời gian chưa đầy một giờ, những nông dân giỏi nghề nhất tổ được cử ra trình diễn những đường cuốc điêu luyện, những bàn tay nhà nông thoăn thoắt bón rong vào đất và trồng cải. Một khoảng đất mới với những luống rau đều tăm tắp hiện ra trước sự thán phục, cổ vũ của người xem.

 

Dân làng rau trổ tài ẩm thực.

Ở một không gian khác, trong nhà tiếp khách ghé thăm làng, người dân và du khách lại có dịp thưởng thức tài năng ẩm thực của các bà nội trợ Trà Quế. Những món ăn dân giã như cao lầu, canh rau diếp cá, các món xào… không chỉ ngon miệng mà còn ngon mắt khi được trình bày khéo léo. Bữa cơm thết khách của làng rau Trà Quế không thể thiếu món tam hữu là món đặc sản có tiếng của làng. Tôm tươi, thịt heo ngon được cuộn khéo léo với các món rau húng lủi, hành lá…thật hấp dẫn. Bạn Rie (sinh viên Đan Mạch đang học tập tại Hội An) chia sẻ: “Những món ăn tôi vừa thưởng thức thật ngon. Thật kỳ diệu làm sao, rau xanh ở đây không dùng phân bón mà vẫn tốt tươi. Tôi sẽ tìm hiểu về kỹ thuật trồng rau ở Trà Quế để về giới thiệu với bạn bè, người thân đất nước tôi. Và tôi sẽ cho họ xem ảnh về lễ hội cầu bông để biết thêm về văn hóa đất nước Việt Nam”.
 

Lễ cầu bông luôn thu hút du khách.

Lễ hội cầu bông của nông dân Trà Quế đã trở thành một nét độc đáo, thu hút đông người tham dự. Cũng từ lễ hội này, mọi người trong làng gần gũi, thân thiết nhau hơn….

Nguồn: Báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT