Nhìn ra thế giới

Tết tháng trắng của người Mông Cổ

Cập nhật: 22/02/2013 09:06:38
Số lần đọc: 3483
Ngày Tết cổ truyền ở Mông Cổ được gọi là Tết Tsagaan Sar, (Tết tháng trắng). Đây là một trong 2 ngày Tết quan trọng và được chờ đợi nhất (ngày tết còn lại là Tết Naadam vào tháng 7). Tết Tsagaan Sar của người Mông Cổ diễn ra gần như trùng với thời gian người Việt Nam đón Tết Nguyên đán.

Tết tháng trắng sự khởi đầu tinh khiết

 

Tsagaan Sar được dịch sang tiếng Việt là tháng trắng. Nguồn gốc của tên gọi này có thể bắt nguồn từ màu trắng của mùa đông hay từ màu trắng của thực phẩm, đặc biệt là từ sữa. Người dân nơi đây luôn nghĩ rằng màu trắng mang lại cho họ hạnh phúc và sức khỏe. Vì vậy, theo lịch Mông Cổ, tháng đầu tiên của năm được gọi là tháng trắng - một sự khởi đầu tinh khiết và sạch sẽ.

 

Đối với người Mông Cổ, Tsagaan Sar không chỉ là một ngày lễ cổ truyền báo hiệu kết thúc một mùa đông dài và lạnh lẽo để đón chào mùa xuân mới, mà nó còn là thời điểm cho việc quây quần sum họp gia đình và thắt chặt những mối quan hệ trong xã hội.

 

Ngày Tết, gặp nhau người Mông Cổ chúc nhau bằng câu nói: “Chúc cho đàn cừu của bạn béo tốt”. Tết Tsagaan Sar kéo dài từ mồng 1 đến hết mồng 3 âm lịch.

 

Những nghi lễ ngày Tết

 

Theo tập quán của Mông Cổ, vào những ngày Tết này, mọi người cùng “rửa sạch” cả thể xác lẫn tâm hồn để đón chào một sự khởi đầu mới tốt đẹp hơn. Nghi thức trước đêm giao thừa của người Mông Cổ là rửa sạch chén bát với sữa ngựa.

 

Đêm giao thừa được người dân Mông Cổ gọi là Bituun có nghĩa là “tối thui”, “đóng lại” bởi trong đêm này, bầu trời hoàn toàn không có ánh trăng hay sao và là thời khắc đóng lại một năm cũ. Mọi người sẽ ăn thật no vì họ tin rằng nếu không làm như vậy thì trong suốt cả năm mới sẽ bị đói.

 

Vào ngày Bituun, người dân Mông Cổ tập trung dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, cũng trong ngày này, người Mông Cổ cố gắng giải quyết hết mọi vấn đề và trả mọi khoản nợ nần. Vào tối Bituun, mọi thành viên trong gia đình đều tụ tập bên nhau để tiễn đưa năm cũ và đón giao thừa.

 

Từ thời khắc giao thừa cho đến hết những ngày Tết, người dân Mông Cổ sẽ thắp đèn nến và hương nhang lên bàn thờ tổ tiên, bàn thờ các tộc trưởng, bộ tộc và bàn thờ Phật trong các chùa, đền, miếu cả ngày lẫn đêm./.

 

Nguồn: Báo Làng Việt

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT