Hải Phòng: Tưng bừng Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2008
Để có ngày hội độc đáo này, người dân Đồ Sơn không tiếc công của để đi tìm mua bằng được những trâu ưng ý từ khắp mọi nơi để về làm lễ “nhập tổng” tôn lên thành ông trâu…
Tôn vinh gia đình, dòng tộc
Hàng năm, cứ vào mùng 9 tháng 8 Âm lịch, người dân Đồ Sơn (Hải Phòng) lại tổ chức Hội chọi trâu. Hội chọi trâu có từ bao giờ, chưa ai rõ, nhưng truyền thuyết về hội chọi trâu gắn với tục thờ thần Điểm Tước - lúc Đồ Sơn vẫn chỉ là miền đất hoang vắng đầy sình lầy, lau sậy cách đây vài trăm năm và câu ca truyền tụng vẫn còn đến bây giờ:
Dù ai buôn đâu bán đâu/Mùng chín tháng tám chọi trâu thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề/Mùng chín tháng tám thì về chọi trâu
Để có trâu chọi tham gia lễ hội không phải ai cũng có thể làm được. Ngoài niềm đam mê mà người đó phải có tiềm lực về kinh tế vì phải bỏ hàng trăm triệu đồng để mua kèm với công thuê người chăn dắt. Thế nhưng một điều khá đặc biệt ở Hội chọi trâu Đồ Sơn là tính “tôn ti trật tự” trong gia đình luôn được đặt lên hàng đầu.
Cha trước, các con theo thứ tự để tham gia hội. Vì thế mà các “đại gia” thường “ẩn” phía sau. Tại Đồ Sơn, nói đến “đại gia” chơi trâu chọi, không ai là không biết đến “bộ ba” nổi tiếng: Đinh Xuân Hiệu, Hoàng Đình Khắc và Đinh Đắc Đoàn. Chơi với nhau thân như anh em ruột, cùng đam mê trâu chọi và cùng vì lễ hội độc đáo của địa phương, nên cả 3 “đại gia” trẻ tuổi này đã đóng góp phần công sức không nhỏ để làm sôi động thêm cho Hội chọi trâu Đồ Sơn. Nếu như Đinh Xuân Hiệu luôn đứng tên chủ trâu mình, thì Hoàng Đình Khắc và Đinh Đắc Đoàn lại luôn đứng phía sau. Nhưng năm nay, Khắc đứng tên thay cha đã cao tuổi.
Không như hai bạn mình, Đinh Đắc Đoàn là con trai sau của gia đình ông Đinh Đắc Xề - người duy nhất ở Đồ Sơn cho đến thời điểm này có trâu đã đoạt giải nhất - nhì - ba. Thành công của ông Xề bao giờ phía sau cũng là con trai Đinh Đắc Đoàn. Là chủ của một doanh nghiệp lớn về chăn nuôi ở Đồ Sơn, Đoàn sẵn có các điều kiện để chơi trâu, anh không ngại ngần đi mua trâu và thuê người huấn luyện miễn sao để lễ hội của địa phương thành công nhất.
Làm nên ngày hội ở Đồ Sơn
Vòng đấu loại diễn ra ngày 10/7/2008, 32 trâu tham dự đã cống hiến cho người xem 16 trận đấu nảy lửa và 16 “ông trâu” thắng trận lọt vào vòng chung kết. Các trâu “biểu diễn” những lối đánh độc đáo và khá hấp dẫn khiến người xem ngây ngất. Những thế đòn độc chỉ có trong huấn luyện trâu chọi như: lên cáng móc hầu, cáng nổi đầu, hổ lao… được các chủ trâu luyện cho trâu mình kỹ lưỡng.
Ngày chọi trâu bao giờ cũng là ngày hội lớn khi hàng vạn lượt người đổ về Đồ Sơn đón xem lễ hội. Không phụ lòng người hâm mộ cũng như làm nên ngày hội độc đáo này, người chơi trâu thường phải đi rất xa để tìm mua trâu. Vùng đất được người mua trâu để ý thường là Nghệ An. Thoạt nghe, ai cũng nghĩ vùng đất này sản sinh ra nhiều trâu có thể tham gia Hội chọi trâu Đồ Sơn, nhưng không phải.
Hầu hết trâu mua tại Nghệ An đều có nguồn gốc từ nước Lào. Vòng loại vừa diễn ra có tới 28 trâu có xuất xứ từ Lào. Những người chơi trâu chọi có kinh nghiệm cho biết, trâu Lào bao giờ cũng rất to con, rất khỏe và đặc biệt có bộ ngà (sừng) miễn chê, còn trâu ở trong nước thì thỉnh thoảng mới gặp được 1 “ông”.
Những tưởng mua trâu ở Lào đã là xa lắm rồi, nhưng không, người chơi trâu chọi Đồ Sơn còn vươn sang tận… Myanmar để mua trâu về chọi vì trâu ở đây mới tốt. Năm ngoái, trâu của ông Hoàng Đình Hiếu đoạt chức vô địch cũng là trâu của Myanmar cho dù được đăng ký ở trong nước. Năm nay, Hội chọi trâu Đồ Sơn có 2 trâu xuất xứ từ nước này và con số 18 đứng tên ông Đinh Đắc Cường do Đinh Đắc Đoàn mua về.
Sau lễ hội, thịt trâu chọi bao giờ cũng được tìm mua, bởi người Đồ Sơn cho rằng, thưởng thức được thịt trâu chọi sẽ mang lại nhiều may mắn, do đó, các trâu tham gia lễ hội đều bị xẻ thịt. Dù giá thịt trâu chọi có lên đến 400.000 đồng/kg cũng không gọi là đắt đỏ, bởi nếu tính công mua về, công chăn dắt là phí tham gia hội, nhiều chủ trâu còn… lỗ nặng. Thế nhưng, những người chơi trâu chọi Đồ Sơn không lấy đó làm trọng mà cái chính vẫn là sự thành công chung của lễ hội