Khai thác tiềm năng du lịch di tích, danh thắng Tà Kơn (Bình Định)
Di tích lịch sử danh thắng Tà Kơn nằm ở độ cao khoảng 700m so với mặt nước biển và cách trung tâm xã Vĩnh Sơn chừng 6km về hướng Tây Nam và cách thị trấn huyện Vĩnh Thạnh trên 50km về phía Nam. Tà Kơn và khu vườn cam Nguyễn Huệ (khu vực trung tâm xã Vĩnh Sơn hiện nay) là một căn cứ trong buổi đầu khởi binh của phong trào Tây Sơn vào đầu thế kỷ 18.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tà Kơn đã bị địch lấy làm căn cứ và cho xây dựng sân bay dã chiến trực thăng (Sân bay Tà Kơn). Hiện nay, di tích Tà Kơn (hay còn gọi là thành Tà Kơn) được bao bọc bởi những cánh rừng nguyên sinh trù phú chủ yếu là các loại cây gỗ quí như chò chỉ, lát hoa có tuổi đời trên trăm năm và bên dưới sườn núi là những cột đá tự nhiên được xếp chồng đều đặn chẳng khác nghệ thuật sắp đặt hiện nay; có chiều cao từ 5-30m; chiều dài hơn 200m và bên trong có hang động sâu trên 150m.
Tiến sỹ sử học Đinh Bá Hòa, Giám đốc Bảo tàng tổng hợp Bình Định cho biết Thành Tà Kơn là những khối đá hình trụ được hình thành qua biến đổi kiến tạo địa chất thuộc địa khối Kon Tum được cấu tạo bởi nham thạch cổ nhất, có niên đại từ 1,8-2 triệu năm, cũng là nơi cư trú của cư dân bản địa Bana Kriêm. Hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này không chỉ trở thành danh thắng nơi núi rừng này mà nó đã đi vào sử thi của họ...
Cũng có người cho rằng Thành Tà Kơn là căn cứ của nghĩa quân Tây Sơn xưa. Thành Tà Kơn chính là cứ điểm bí mật của quân Tây Sơn, đây là địa điểm mà 3 anh em Nguyễn Huệ từ Bình Thành theo sông Kôn đến tập kết. Trong quá trình hoạt động, Nguyễn Nhạc kết hôn với con của một già làng BaNa ở làng Tú Thủy (An Khê) được gọi là cô Hầu...
Ngược dòng lịch sử, ngoài anh em Tây Sơn, từ xưa đến nay đất này không có vị anh hùng dân tộc nào khởi nghĩa nên rất có thể thành Tà Kơn là do nhà Tây Sơn xây dựng.” Thực chất, thành Tà Kơn được hình thành bởi quá trình kiến tạo địa chất và nó đã đi vào những câu chuyện huyền thoại.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thạnh cho biết nếu di tích lịch sử này được Ủy ban Nhân dân tỉnh công nhận là di tích lịch sử và danh thắng, sẽ góp phần quan trọng trong việc nối kết chuỗi du lịch lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên tuyến hành lang dọc quốc lộ 19 từ hệ thống tháp Chăm Quy Nhơn, Tuy Phước, Bảo tàng Quang Trung, khu du lịch sinh thái Hầm Hô, bảo sơn Thiên ấn và lên thủy điện Định Bình, Vĩnh Sơn, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ rừng đầu nguồn xung yếu./.