Hoạt động của ngành

Khám phá cồn Mỹ Phước (Sóc Trăng)

Cập nhật: 07/06/2013 09:24:56
Số lần đọc: 3768
Cồn Mỹ Phước (xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) được hình thành cách nay khoảng 200 năm nhờ phù sa sông Hậu bồi đắp. Vào mỗi dịp Tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch), cồn Mỹ Phước chào đón hàng trăm nghìn lượt khách du lịch đến vui chơi, thưởng thức trái cây đặc sản…

Trải qua từng thời kỳ, cồn Mỹ Phước có nhiều tên gọi khác nhau. Lúc mới hình thành là cồn Công Điền, rồi cồn Quốc Gia, cồn Mỹ Phước… Người dân địa phương cho biết, ban đầu trên cồn mọc toàn cây dại; cây cối cũng nổi chìm theo từng đợt nước lên, nước xuống.

 

Năm 1946, vợ chồng ông Nguyễn Văn Nghiêm (ông Thợ Sáu) là người đầu tiên quyết tâm định cư trên đất cồn. Ông đã khai phá đất hoang, bao bờ ngăn nước, lên liếp lập vườn. Thấy đất đai màu mỡ, nhiều nông dân nghèo từ đất liền lần lượt rủ nhau vượt sông Hậu đến đây tiếp tục khai hoang, tạo dựng cơ nghiệp, biến đất hoang thành những vườn cây đặc sản như chôm chôm, măng cụt, sầu riêng, hồng xiêm, nhãn, cam, quýt…

 

Hiện nay, chiều dài toàn giải cồn khoảng 3,5km, chiều ngang nơi lớn nhất khoảng 600m. Cồn được bao bọc bằng những thân đê vững chãi, khép kín, đường giao thông đều được trải bê tông sạch đẹp, rộng rãi.

 

Trái cây trên cồn mùa nào cũng có, nhất là khoảng thời gian giữa năm. Càng thú vị hơn khi mùa hè không khí trên đất liền nóng bức nhưng đặt chân lên cồn, du khách sẽ cảm nhận được từng ngọn gió mát lành bao bọc chung quanh.

 

Trước đây, du khách chỉ có thể đến cồn Mỹ Phước bằng đường thủy hoặc đường bộ từ trung tâm TP Sóc Trăng theo Quốc lộ 60. Nay điều kiện đi lại thuận tiện hơn rất nhiều, ngoài Quốc lộ 60, du khách còn có thể đi từ TP Cần Thơ theo quốc lộ Nam sông Hậu khoảng 50km, ngồi phà thêm 15 phút là tới cồn. Đến đây, ngoài thưởng thức trái cây và những món ăn đặc sản, chơi đờn ca tài tử, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao… du khách còn được thanh thản dạo bước trên những con đường quanh năm rợp bóng hoa trái, cây cỏ tốt lành.

 

Năm 2008, cồn Mỹ Phước được UBND tỉnh Sóc Trăng công nhận là di tích thắng cảnh của tỉnh. Hiện nay nơi đây đang triển khai dự án xây dựng khu du lịch văn hóa, lễ hội truyền thống trên diện tích 110ha, bao gồm các hạng mục: Hạ tầng kỹ thuật, công trình văn hóa, sân khấu ngoài trời, cơ sở lưu trú, cáp treo qua sông, khu vực dành cho các môn thể thao dưới nước (đua thuyền, lướt ván). Trước đó, dịp Tết Đoan ngọ năm 2012, các hạng mục như: Khu vực chức năng, quảng trường trung tâm, hệ thống chiếu sáng, cầu tàu du lịch đã được đưa vào phục vụ.

 

Tết Đoan ngọ năm nay, ngày hội sông nước miệt vườn vẫn tiếp tục được duy trì tại cồn Mỹ Phước với nhiều hội thi truyền thống như: Ẩm thực dân gian, đờn ca tài tử, trái cây ngon, đua thuyền… ngành chức năng địa phương dự kiến sẽ có khoảng 200.000 lượt khách đến với cồn Mỹ Phước./.

Nguồn: qdnd.vn

Cùng chuyên mục