Hành trang lữ khách

Khám phá bản làng núi đá Lào Cai

Cập nhật: 22/03/2018 09:44:35
Số lần đọc: 805
Bản làng tôi ở trên núi đá của Lào Cai, giống như con tắc kè bám vào vách đá, nơi có cổng trời và những con đường như sợi chỉ vắt ngang, ôm ngang lưng chừng núi. Trước bản có cây gạo, cuối bản có hòn đá thề, xa hơn là cánh rừng và bãi đất bằng. Nơi ấy, lưu giữ tuổi thơ tôi.


   Mùa hoa mận ở vùng cao. Ảnh: Ngọc Dương (Thành phố Lào Cai)

Tôi lớn lên cùng với nương ngô, quả bầu, quả bí. Mùa tiếp mùa, con trâu cũng biết tránh đá vằn vèo bên cung ruộng bậc thang để làm thành mùa màng. Bố tôi gắn với lều nương, ông tôi cũng vậy. Tuổi thơ của tôi gắn với con quay dắt trên mái nhà. Tôi trộm nghĩ: Nếu quê hương là cung ruộng bậc thang, là cổng trời hút gió thì tôi là quả bí, quả dưa nằm trên nương. Đất và đá, cây và nhà tường trình đã dựng xây lên nếp sống của người vùng cao. Hiên nhà, chiếc cối xay ngô nằm đó cùng năm tháng mùa vụ để hứng gió. Cửa nhà, phía bên trái có treo chiếc gương, bát hương được đặt ngay ngắn trên phiến đá được ghè đẽo vuông vức dày dặn, nơi thờ cúng những linh hồn đi xa để thi thoảng ngoảnh về. Tôi nhớ không nguôi mỏm đá hình mào gà. Ban ngày, mỏm đá đựng ông mặt trời, là lúc 4 giờ chiều, mặt trời đựng trong hốc đá. Những đêm trăng sáng, từ góc sân căn nhà tường trình nhìn về phía cây gạo, xa xa ánh trăng chênh chếch bên mỏm đá mào gà. Những lúc ấy, tôi như bị thôi miên vào mỏm đá đó. Hình như mặt trời và mặt trăng cùng mọc lên từ đó. Mỏm đá hình mào gà đã gồng gánh thứ ánh sáng xanh và đỏ đi vào ký ức tuổi thơ tôi.

Cổng làng tôi được xếp bằng đá. Cuối làng có hòn đá thề nằm lặng lẽ bên cạnh hàng tre, cạnh con đường, phía trái có dòng suối. Hòn đá đã chứng kiến bao cuộc tình kết duyên và bao khổ đau của những cặp tình không thành, oan trái hoặc tan vỡ. Dù vui hay buồn, tháng chạp, mười rằm, trăng sáng, không ai bảo ai, họ lặng lẽ đến hòn đá để dãi bày. Hòn đá đã giải tỏa được sự bức xúc, nỗi bực dọc trong lòng và cởi trói cho tâm hồn họ. Cái hồn cốt của người vùng cao chứa chất trong đá. Mùa hè, đá cũng đổ mồ hôi. Chỉ cần chạm tay vào vách ta đã thấy hơi nước phủ hờ lên từng ngón từng kẽ tay. Mùa đông, mây mù đổ bộ rất nhanh và thoáng ẩn, thoáng hiện. Vách đá đồ sộ trụ vững cùng thời gian. Nói đến đá, người ta hay nói đến cái lạnh, đanh, nhọn, sắc... Tôi  thấy cái ấm áp, cái nồng nàn của đá. Cạnh vách đá cao, có nơi thờ tự vuông vức. Người xưa đã nhấn vào thân vách núi độ hai mét vuông có lẻ. Nơi ấy đặt bát hương, tượng đá.

Mười rằm, mồng một dân qua lại cầu khấn núi rừng phù hộ độ trì cho bản làng tươi tốt, nhà nhà được mùa. Cây cối được bảo vệ nghiêm ngặt. Rừng có yên thì dòng nước mới trong sạch. Cái lý thuyết  giản đơn là vậy, ngàn năm vẫn thế. Luật cúng rừng không thành chương hồi, nhưng nó vẻn vẹn sống trong lòng dân và giữ cái lề của bản.

Mùa  đông, mây mù quấn quanh mỏm núi. Trông xa như hình ảnh của ông già tuyết đang cưỡi con tuần lộc từ trên trời xuống. Mù về nhanh mà cũng tan đi nhanh. Ngọn núi đá kiên trung, vững vàng như người lính đứng gác biên cương không hề lay chuyển. Mùa xuân trên đỉnh biên cương. Màu trắng của hoa mận đan cài màu đỏ của hoa đào. Trên con đường tuần tra bên bờ suối, anh lính biên phòng cúi xuống, lặng lẽ đưa tay ngắt một nhành hoa. Vách đá bờ bên kia, một nhánh hoa rừng bừng nở, trổ màu vàng như hoa cải bên vách đá, giống như lời nói thầm thì của rừng núi, như tuổi xuân, tuổi nụ của chàng trai biên phòng. Nó cũng gác đi nỗi cô đơn trống trải của một chiều biên giới. Hình như có tiếng chim rớt xuống từ vách đá, tiếng cối giã gạo thậm thình, tiếng gà vắt bên kia thung lũng, khi xa, khi gần mơ màng và quyến rũ. Nó tươi tắn, sảng khoái như ta vừa chợp mắt mấy phút trong giấc ngủ trưa rồi bừng tỉnh. Cảm thức ấy chỉ có được khi ta ở vùng cao nguyên này.

Xa bản làng, từ trong tâm khảm, tiếng cối xay ngô luôn ở trong tôi, âm thanh ù ù vần vụ. Cổng trời đá luôn ở trong tôi và ở đó có biết bao nhiêu câu chuyện. Nhưng dấu ấn đậm nhất, sâu nhất vẫn là hòn đá thề bên dòng suối, nơi tiếp giáp với lò rèn. Thấp thoáng có bóng người từ dưới dốc đi lên vai cõng nước, trảng áo lanh bạc màu sao mà thân thương, da diết.

Hình núi, thế đồi do đất đá dựng lên. Bình sinh có mặt trời, trái đất là đã có nó. Đá đã là cái cốt lõi của dãy núi trùng điệp. Mẹ đá là cổng trời. Chân đá là chân trời. Đường chân trời vạch thành ranh giới mỏng dày bên kia xa lắc. Lô xô đá, điệp trùng núi đồi, hình thế của núi giống như thiếu nữ nằm dài, ngửa mặt, ưỡn ngực nhìn bầu trời tìm lấy một niềm yêu bất tận…

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục