Nhã nhạc của Việt Nam là đại diện văn hóa phi vật thể của UNESCO
Tại một hội nghị về bảo tồn nhã nhạc mới đây được tổ chức ở Thừa Thiên-Huế, bà Francoise Rivière, Phó Tổng Giám đốc Văn hoá của UNESCO, cho biết có mặt trong danh sách này, nhã nhạc sẽ tiếp tục được hỗ trợ theo những mục tiêu của Công ước năm 2003, bảo đảm sự tôn trọng đối với di sản văn hóa phi vật thể và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản đó ở cấp địa phương, quốc gia, và quốc tế.
Kết quả này là sự ghi nhận và đánh giá cao của UNESCO đối với những nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo tồn nhã nhạc - một thể loại nhạc cung đình đã được tổ chức này công nhân là kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại từ năm 2003.
Trong những nỗ lực đó có việc triển khai dự án bảo tồn nhã nhạc do Quỹ ủy thác Nhật Bản tài trợ thông qua UNESCO, từ năm 2005 đến 2008. Theo kiến trúc sư Phùng Phu, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, dự án đã góp phần xây dựng nền tảng ban đầu cho việc nghiên cứu, sưu tầm, lưu trữ và phục hồi các bài bản nhã nhạc tiêu biểu, phục chế trang phục nhã nhạc và lập hồ sơ các nghệ nhân tiêu biểu - những người được coi là “báu vật nhân văn sống”.
Quan trọng hơn, dự án đã góp phần truyền dạy các kỹ năng về nhã nhạc cho thế hệ trẻ, tạo được sự quan tâm của cộng đồng, giới thiệu được nhã nhạc không chỉ với các vùng miền khác mà còn với nhiều nước trên thế giới.
UNESCO cũng đánh giá cao tầm quan trọng của dự án này vì đã kết hợp được cả di sản vật thể và phi vật thể - hai hoạt động trụ cột trong việc thúc đẩy sự đa dạng hoá văn hoá trên thế giới.
Cũng theo kiến trúc sư Phùng Phu, một trung tâm lưu trữ riêng về loại hình âm nhạc này sẽ được xây dựng trong thời gian tới để giúp các nhà nghiên cứu, các cá nhân quan tâm đến nhã nhạc có địa chỉ tìm hiểu và trao đổi nhằm tiếp tục bảo tồn bền vững di sản văn hóa thế giới này, đưa nhã nhạc tiếp cận công chúng nhiều hơn.
Khởi nguồn từ triều nhà Hồ (1400 - 1407), phát triển cực thịnh vào thời Nguyễn (1802 – 1945), nhã nhạc được coi là loại hình âm nhạc thiêng liêng, chỉ dùng trong các dịp đại lễ trang trọng của triều đình và những cuộc cúng tế thần linh, tổ tiên của triều đại.