Du lịch Ninh Bình mở rộng hợp tác để phát triển bền vững
Đóng vai trò một trong những đầu mối của du lịch Việt Nam, Thủ đô Hà Nội đang là điểm đến, thu hút rất lớn lượng khách du lịch, là điểm trung chuyển để từ đó, du khách tỏa đi thăm quan các danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở miền Bắc nói chung và đồng bằng sông Hồng nói riêng, trong đó có tỉnh Ninh Bình. Vì vậy, tỉnh đã xác định mục tiêu huy động các nguồn lực, tập trung khai thác hợp lý tài nguyên tự nhiên, tài nguyên nhân văn, xây dựng Ninh Bình trở thành một trong những trung tâm du lịch trọng điểm của cả nước.
Lợi thế du lịch cuối tuần
Cách thủ đô Hà Nội 93 km về phía Nam, giao thông đi lại thuận tiện, lại có ưu thế về vùng phụ cận, không gian và thời gian nên tỉnh Ninh Bình ít bị ảnh hưởng bởi tính mùa vụ trong du lịch đồng thời chiếm ưu thế ở loại hình du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần. Đến hết tháng 7, địa phương đã thu hút hơn 3,7 triệu lượt khách du lịch; đạt 94,2% kế hoạch năm 2013 và tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu đạt gần 707 tỷ đồng; tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tỉnh Ninh Bình hiện có 7 tuyến du lịch chính là: Khu du lịch sinh thái Tràng An - Tam Cốc Bích Động - Cố đô Hoa Lư; Khu du lịch trung tâm thành phố Ninh Bình; khu du lịch Vườn Quốc gia Cúc Phương - Kỳ Phú - hồ Đồng Chương; Khu du lịch suối nước nóng Kênh Gà - động Vân Trình - khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long - chùa Địch Lộng - động Hoa Lư; Khu du lịch thị xã Tam Điệp - phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn; Khu du lịch hồ Yên Thắng - hồ Đồng Thái - động Mã Tiên; Khu du lịch vùng ven biển Kim Sơn.
Hưởng ứng Năm du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng 2013, bên cạnh việc tăng cường quảng bá, kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực du lịch, cung cấp thông tin đăng tải trên website của Tổng cục Du lịch và cổng thông tin điện tử của các địa phương, tỉnh Ninh Bình còn tổ chức 3 lễ hội lớn, gồm Lễ hội Cố đô Hoa Lư, lễ hội Thánh Quý Minh Đại Vương, Lễ hội đền Thái Vi, thu hút đông đảo du khách thập phương về tham dự.
Ông Hoàng Thanh Phong, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Bình) cho biết: Ninh Bình không chỉ là địa phương có nhiều danh lam thắng cảnh mà còn có nét văn hóa đặc sắc và mạng lưới làng nghề phong phú, nổi tiếng như thêu ren Văn Lâm (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư); mỹ nghệ cói (huyện Kim Sơn). Sản phẩm của làng nghề làm ra được nhiều người nhớ đến và có sự khác biệt, được thị trường ưa chuộng. Bên cạnh đó, phần lớn các làng nghề nằm trên trục giao thông nên rất thuận lợi để xây dựng các chương trình du lịch kết hợp. Vì vậy, du lịch cộng đồng và du lịch kết hợp thăm quan làng nghề trong những ngày nghỉ cuối tuần không chỉ giúp tăng trưởng lợi nhuận kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động địa phương mà còn là một cách thức gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa, tạo điểm nhấn riêng của du lịch Ninh Bình.
Riêng hoạt động du lịch cộng đồng theo hình thức homestay, trên 50 hộ dân tại 5 thôn Phù Long, Chi Lễ, Mai Trung, Tập Ninh, Trung Hoà (xã Gia Vân, huyện Gia Viễn) đang đóng góp mỗi hộ từ 1 đến 5 phòng ở đủ tiêu chuẩn cho thuê phục vụ khách du lịch. Du khách sẽ ở cùng người dân địa phương trong các ngôi nhà cổ độc đáo đặc trưng của vùng quê Bắc Bộ với khung gỗ, nền đất; được trực tiếp lao động, tát nước gầu sòng, gầu dây, đi móc cua, cất vó; khám phá những phiên chợ quê với các sản phẩm địa phương đặc trưng; cùng người dân làm cua nấu canh, thổi cơm vùi tro, xay lúa, giã gạo, tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc.
Mở rộng loại hình du lịch văn hóa, tâm linh
Làm mới các điểm đến du lịch tâm linh cũng là một trong những hướng đi chứa đựng nhiều tiềm năng của các địa phương khu vực đồng bằng sông Hồng. Chùa Hương là một điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội, có mùa lễ hội dài nhất trong cả nước, hàng năm thu hút rất đông khách du lịch đi tham quan và hành hương lễ Phật. Ở tỉnh Ninh Bình, Khu văn hóa tâm linh chùa Bái Đính gần đây cũng nổi danh khi sở hữu 13 kỷ lục quốc gia, đang là một điểm đến du lịch rất được ưa chuộng và là nơi diễn ra Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững do Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức trong tháng 11 tới.
Theo Quyết định số 2473 ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 thì việc phát triển hệ thống sản phẩm du lịch phải chất lượng, đặc sắc, đa dạng và đồng bộ, có giá trị gia tăng cao, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của khách du lịch nội địa và quốc tế; phát triển sản phẩm du lịch "xanh", tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa địa phương. Cùng với đó, phát huy thế mạnh và tăng cường liên kết giữa các vùng, miền, địa phương hướng tới hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng theo các vùng du lịch. Đầu năm 2012, tỉnh Ninh Bình đã ký Biên bản thỏa thuận Hợp tác phát triển du lịch với 10 tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch gồm: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Cần Thơ, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Lạng Sơn.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình Dương Thị Thanh khẳng định, bên cạnh việc đầu tư xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng để tạo sự khác biệt, thời gian tới, tỉnh Ninh Bình sẽ tăng cường liên kết với Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh bạn như Thanh Hoá, Thừa Thiên Huế phát triển loại hình du lịch tham quan chuỗi các di tích kinh đô xưa theo suốt chiều dài lịch sử gồm Cố đô Hoa Lư, Hoàng thành Thăng Long, Di tích Lam Kinh - Thành Nhà Hồ và Cố đô Huế.
Khắc phục tồn tại trong phát triển du lịch
Mặc dù đã có những thành công trong việc thu hút khách du lịch, song tại một số tuyến điểm tham quan trên địa bàn tỉnh Ninh Bình vẫn đang xảy ra tình trạng mất trật tự, chèo kéo, đeo bám làm phiền lòng du khách. Việc kinh doanh các dịch vụ, niêm yết giá công khai chưa phổ biến, gây khó khăn cho khách du lịch trong việc lựa chọn. Hệ thống thông tin du lịch, trình độ của đội ngũ hướng dẫn viên chưa phù hợp với nhu cầu thực tế, chưa có nhiều công trình vui chơi giải trí để thu hút du khách lưu trú dài ngày ở địa phương.
Bà Dương Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết: Cùng với việc tăng cường bảo đảm an ninh trật tự và vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch, địa phương đang thực hiện nhiều giải pháp thu hút khách vào các loại hình du lịch chơi golf, du lịch làng nghề, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái. Đội ngũ cán bộ, nhân viên và cộng đồng dân cư trực tiếp tham gia các hoạt động du lịch được tham gia các khóa bồi dưỡng về bảo vệ môi trường, nâng cao trình độ ngoại ngữ, kiến thức về văn hóa, về lịch sử quê hương để tự tin hơn khi giao tiếp với khách du lịch.
Tỉnh cũng tăng cường lực lượng liên ngành kiểm tra, giám sát đối với tất cả các khu, điểm du lịch trên địa bàn; kiên quyết xử lý các hiện tượng tiêu cực phát sinh đúng quy định của pháp luật; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về tầm quan trọng của kinh tế du lịch... Mới đây, xã Gia Sinh (huyện Gia Viễn) đã khai trương câu lạc bộ "Làng ẩm thực dê núi Ninh Bình" thu hút 20 thành viên tham gia và đều có giấy phép đăng ký kinh doanh theo quy định. Tất cả các hội viên của câu lạc bộ ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước, của Ban chủ nhiệm câu lạc bộ về kinh doanh dịch vụ ăn, nghỉ. Các nhà hàng trong làng ẩm thực bán và làm thức ăn cho khách đúng chất lượng theo thực đơn. Giá các món ăn được thống nhất và niêm yết công khai để người dân theo dõi, giám sát, không chấp nhận các hình thức tiếp thị không lành mạnh như chi phần trăm hoa hồng cho lái xe để lôi kéo du khách. Đây là việc làm thiết thực của câu lạc bộ nhằm nâng cao ý thức và năng lực phục vụ khách du lịch trên địa bàn xã Gia Sinh, góp phần hình thành ý thức văn minh lịch sự trong kinh doanh thương mại, xây dựng uy tín với du khách./.