Độc đáo cung điện làm toàn bằng dừa ở Philippines
Đất nước Philippines bao gồm hơn 7.100 hòn đảo lớn nhỏ. Cây dừa có mặt tại 68/79 tỉnh thành của quốc đảo này. Hiện 3,3 triệu ha đất nông nghiệp của Philipines phục vụ cho ngành công nghiệp dừa, chiếm gần 30% diện tích đất tự nhiên.
Không chỉ nổi tiếng với những sản phẩm nước uống từ dừa, có một cung điện ở Philippines còn gây ấn tượng với du khách bởi được xây dựng hoàn toàn từ dừa. Nếu có dịp đến thủ đô Manila - Philippines du lịch, du khách đừng bỏ qua cơ hội tham quan cung điện dừa nổi tiếng này.
Tọa lạc tại Trung tâm văn hóa Philippines phía nam Manila, Cung điện dừa được xem là một trong những công trình độc đáo và đặc sắc nhất ở Philippines. Không chỉ là thành quả sáng tạo của người dân bản địa, cung điện nguy nga này còn là di sản văn hóa tinh thần lớn lao của đất nước mệnh danh là Xứ sở dừa.
Cung điện Dừa được kiến trúc sư Francisco Manosa thiết kế trong chuyến viếng thăm Marcos của Pope John Paul II tại Manila trong năm 1981. Cung điện có 07 dãy phòng đại diện cho 07 khu vực vào thời điểm đó, 101 đèn treo làm bằng gáo dừa và một chiếc bàn ăn được ghép từ 40.000 vỏ dừa. Cung điện cũng có một phòng trưng bày các bức tranh của các Họa sĩ Philippines.
Đặc điểm nổi bật của cung điện này là không gian nội thất được trang trí rất công phu và tinh tế, với như chiếc đèn chùm lộng lẫy làm từ 101 miếng gáo dừa. Qua bàn tay tài hoa của kiến trúc sư, họa sĩ, gáo dừa đã biến thành các chao đèn mà mới thoạt nhìn chẳng ai biết nó được làm từ chính những gáo dừa hết sức bình thường. Đây là tác phẩm của một nghệ nhân ở quận Ton-do thuộc Manila. Giữa phòng có một cái bàn lớn rất lạ mắt, bởi nó được tạo thành bởi... 9.000 mảnh gáo dừa cưa nhỏ và ghép lại.
Những đồ dùng trong mỗi phòng được làm bằng mây, tre kết hợp với các khung bằng thân dừa bào láng, giữ nguyên màu sắc và vân gỗ, các cạnh còn có thêm ốc xà cừ, vỏ trai. Trên 4 vách tường ốp một thứ đan bằng cộng lá dừa thành những tấm vĩ xinh xắn gọi là Guinit. Cảm giác đầu tiên của du khách khi đứng trong căn phòng này là sự khoan khoái, dễ chịu vì cảnh sắc dịu mát và đầm ấm của nó.
Kế gian đại sảnh là phòng khách riêng. Gian này tuy nhỏ hơn nhưng cũng đầy đủ những vật dụng bằng gỗ dừa và mây. Trên trần là một cái chụp đèn có hình dáng một tàu lá dừa uốn cong, giống dừa Capis lấy từ tỉnh Cesbu mang về. Giống dừa này có đặc tính rất dai, không giòn gãy.
Trên tường có một bức vẽ lớn, phong cảnh và mầu sắc sinh động. Sang đến phòng ăn là cả một sự cầu kì và ngoạn mục: sàn nhà lót bằng những miếng gỗ dừa đánh bóng như gương. Ở giữa phòng là một chiếc bàn ăn lớn, được làm ra từ... 47.000 miếng gáo dừa cắt nhỏ như hạt lúa mì. Con số còn ấn tượng hơn 9.000 mảnh mà du khách được biết đến ở trên.
Không những thế, các miếng gỗ li ti này được mấy chục ngàn học sinh ở tỉnh Laguna đảo Luzon mài gọt, chà bóng trong một dịp hè để gửi về đóng góp xây dựng cung điện. Họa sĩ Bacolod đã ghép tẩn mẩn từng miếng nhỏ nói trên thành những cánh hoa Sampaguita, mô phỏng theo kiểu hoa thêu trên vải Callado của miền Tarong Tagalog.
Từ phòng khách này có một cửa kính rất lớn, thông ra phía sau có một hồ bơi cực kì sang trọng. Cạnh hồ bơi có một nhà nguyện nhỏ với hình Chúa Hài đồng nằm trên một thân cây dừa. Đây là tác phẩm điêu khắc của nghệ sĩ Betis, tỉnh Bampanga.
Ở tầng trệt còn một gian phòng rộng nữa, đây là nơi ngày xưa tổ chức khiêu vũ, hội nghị trong cung điện với những đoàn khách nước ngoài. Ngày nay, nó trở thành nơi triển lãm mỹ thuật.
Rời tầng trệt, lên tầng trên theo một cầu thang hình chữ U. Toàn bộ những bậc thang đều được trải thảm dệt bằng xơ dừa tuyệt đẹp. Ở tầng này có các phòng trưng bày hình ảnh, hiện vật tiêu biểu cho các nên văn hóa dân tộc của Philippines.
Trong đó thể hiện rõ nét tính chất tôn giáo tiêu biểu của đảo là Công giáo (chiếm đa số) và Hồi giáo (tập trung ở vùng đảo Mindanao). Ở đây nổi bật các tác phẩm hội họa tái hiện các nhân vật và phong tục của đất nước, chẳng hạn như “Thánh nữ đồng trinh và Con”, “Sự tiêu hóa của những phong tục Philippines”...
Bên cạnh là từng phòng tiêu biểu cho từng vùng trong nước. Ở gian phòng của tỉnh Zamboanga, du khách sẽ lại một lần nữa sững sờ trước vẻ đẹp ngoạn mục của những đồ dùng, đồ trang trí làm từ dừa.
Từ cái chụp đèn, vật lát vách tường, bàn ghế, sàn nhà đến từng thứ gạch phòng tắm lát bằng gạo dừa vô cùng lạ mắt. Theo những nhà chuyên môn thì “gạch” này theo thời gian không những không cũ đi mà ngược lại còn lên bóng nước màu hổ phách đẹp tuyệt vời.
Du khách có thể đến Manila vào bất cứ khoảng thời gian nào trong năm. Vì khí hậu thuộc miền nhiệt đới nên khá dễ chịu cho du khách tham quan du lịch./.