Ðầu tư Du lịch

Lâm Đồng đẩy mạnh thu hút đầu tư vào du lịch

Cập nhật: 18/09/2008 15:09:11
Số lần đọc: 6329
Trong những năm gần đây, tỉnh Lâm Đồng đang tập trung kêu gọi đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài nhằm khai thác tiềm năng du lịch của địa phương. Từ lâu, Đà Lạt đã nổi tiếng là một trung tâm du lịch lớn của Việt Nam, là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng với sự đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng và đóng vai trò quan trọng đối với cảnh quan du lịch, đặc biệt là rừng thông Đà Lạt.

Cùng với sông suối, hồ đập, thác nước, rừng Lâm Đồng đã tạo nên một quần thể có sức thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Lâm Đồng còn có hai rừng quốc gia là Cát Tiên và Bidoup Núi Bà, còn lưu giữ và bảo vệ được nhiều loại động thực vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam. Các loại hình du lịch Đà Lạt- Lâm Đồng khá phong phú, đa dạng như: lữ hành tham quan, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hoá thể thao.

Hàng năm, Lâm Đồng thu hút một lượng khách du lịch lớn đến với những địa danh nổi tiếng trên. Năm 2008, tỉnh phấn đấu đón khoảng 2,5 triệu lượt khách du lịch, đạt doanh thu xã hội từ du lịch trên 3.000 tỷ đồng. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 70 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1 đến 5 sao, trong đó có 10 khách sạn từ 3 đến 5 sao; 35 điểm tham quan du sinh thái văn hóa và lịch sử, thu hút 145 dự án đăng ký đầu tư phát triển du lịch tại địa phương với tổng số vốn đăng ký hàng chục ngàn tỷ đồng. Chủ trương xã hội hóa đầu tư du lịch của tỉnh đang hấp dẫn các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến làm ăn trên địa bàn.

Với số khách sạn còn hạn chế như vậy nên trong thời gian qua, tình trạng thiếu cơ sở lưu trú vẫn diễn ra thường xuyên tại Đà Lạt-Lâm Đồng, tình trạng “cháy tour” và nâng giá vẫn còn. Tuy nhiên, bài toán khan hiếm phòng khách sạn từ 2 đến 5 sao, cơ sở lưu trú vẫn tồn tại như một thách thức cho ngành du lịch. Ngay cả ở các trung tâm kinh tế lớn cả nước, những khách sạn tầm cỡ quốc tế vẫn rất thiếu so với nhu cầu. Vào mùa cao điểm, nhiều đơn vị lữ hành phải tiếc nuối huỷ các tour quốc tế vì không đặt được phòng hoặc vì giá phòng bị đẩy lên quá cao.

Một thực trạng dễ nhận thấy nữa tại thành phố du lịch hấp dẫn như Đà Lạt chỉ có khu chợ với quy mô nhỏ, chưa có hệ thống siêu thị lớn phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách. Đây cũng là một hạn chế rất lớn đối với việc phát triển tiềm năng du lịch của địa phương. Làm thế nào để gìn giữ và phát huy vẻ đẹp duyên dáng, quyến rũ của Đà Lạt và thu hút du khách trong nước và quốc tế trở lại với thành phố thơ mộng này ngày một nhiều hơn là một vấn đề được các cấp, các ngành của tỉnh Lâm Đồng quan tâm.

Các dự án đầu tư vào các khu du lịch là rất lớn, tỉnh Lâm Đồng tập trung thực hiện 4 nội dung để thu hút đầu tư vào lĩnh vực mà tỉnh có nhiều thế mạnh, đó là: đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực, bảo vệ và nâng cấp môi trường du lịch, làm tốt công tác xúc tiến, tìm kiếm thị trường.

Một số nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao vẻ đẹp và tiềm năng Việt Nam nói chung và của Lâm Đồng nói riêng song hiện trạng cơ sở hạ tầng yếu kém của Việt Nam, ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai các dự án du lịch tại đây. Bên cạnh đó, vấn đề thủ tục hành chính cũng là một trong những vấn đề được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm vì thời gian chờ duyệt hồ sơ đăng ký đầu tư còn kéo dài, nhiều khi phải mất từ 3 đến 6 tháng; thời gian được mua đất, chờ đợi giải phóng mặt bằng, đền bù cũng mất rất nhiều thời gian cho các nhà đầu tư.

Nhằm giúp các nhà đầu tư trong và ngoài nước có điều kiện triển khai các dự án vào lĩnh vực du lịch một cách thuận lợi, các cấp, các ngành tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư..., để khắc phục những trở ngại mà các nhà đầu tư quan tâm. Hy vọng trong 2-3 năm tới, với tốc độ đầu tư như hiện nay, số lượng phòng sẽ tăng lên đáng kể, đáp ứng một phần nào đó nhu cầu lưu trú của khách du lịch trong nước và quốc tế.

Nguồn: CPV

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT