Thác Grăng (xã Tà Bhing, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) trở thành điểm đến thu hút du khách không chỉ vì có thác nước đẹp mà còn bởi không gian hoang sơ, kỳ thú.
Từ phía thượng nguồn suối Pà Xua, từng cơn gió thổi về mơn man. Dừng chân ở ngã ba thôn Pà Ia (xã Tà Bhing), đường lên thác Grăng dòng người đổ về mỗi lúc một đông.
Leo qua con dốc dài khoảng 300m, thác Grăng hiện ra với nét hoang sơ giữa núi non điệp trùng. Đứng dưới chân thác nhìn lên, những màn “hơi sương” bay theo chiều gió tạt vào người, một cảm giác mát dịu. Cách đó không xa, những nhóm bạn trẻ đi dã ngoại nô đùa cùng nhau trên những tảng đá lô nhô.
Chuyện kể rằng, xa xưa tại thác nước này có rất nhiều loài cá thiêng sinh sống, trong đó có cá Grăng (cá chiên). Ngày nay, cá Grăng không còn nhưng câu chuyện về loài cá thiêng vẫn được nhắc đến cùng vẻ đẹp tuyệt mỹ của thác nước. Để nhớ đến loài cá thiêng nay không còn, người dân bản địa lấy tên cá gọi thác Grăng.
Cùng với thác Nước ở xã Phước Xuân (Phước Sơn), thác Grăng từ lâu được biết như “tiên nữ” giữa rừng xanh với những con thác chảy dài như dải lụa mềm vắt lưng chừng núi. Men theo con đường quanh co uốn lượn, trên những vạt đồi cao, thấp thoáng màu vàng tươi nương lúa đang vào mùa. Chiều trở về, bên dòng suối vắng, những phụ nữ Cơ Tu đắm mình trong dòng nước trong vắt, lộ tấm lưng trần…
Ở Grăng, trò chơi kỳ thú của một số thanh thiếu niên với màn nhào lộn, khiến du khách thót tim. Từ độ cao gần 10m, người thực hiện “màn xiếc” nhào lộn bằng cách tung mình nhảy xuống mặt nước trong sự “cổ vũ” của bạn bè cùng đi. Tưởng kỳ thú vậy, nhưng trò chơi này tìm ẩn nguy hiểm tính mạng.
Bà A Viết Xinh - Phó Chủ tịch UBND xã Tà Bhing cho biết, cùng với chủ trương đưa thác Grăng trở thành điểm du lịch cộng đồng phục vụ du khách, công tác đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn cũng được triển khai chặt chẽ. “Mỗi khi có đoàn du khách đến thác tham quan, nhất là du khách nước ngoài, xã điều lực lượng công an hỗ trợ về mặt giữ gìn an ninh, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách”./.
Biên tập: TITC