Hành trang lữ khách

Lào Cai: Ðảm bảo chất lượng nhân lực cho ngành du lịch

Cập nhật: 05/09/2013 16:55:43
Số lần đọc: 1676
Ðể “ngành công nghiệp không khói” tiếp tục trở thành mũi nhọn thì nâng cao chất lượng nhân lực là một trong những giải pháp ngành du lịch Lào Cai đang tích cực thực hiện.

Sa Pa là một trong những địa danh hấp dẫn trên bản đồ du lịch cả nước. Đây là nơi tập trung đông đội ngũ hướng dẫn viên và thuyết minh viên du lịch của tỉnh. Chị Ly Seo Mẩy, xã Tả Phìn làm nghề thuyết minh viên du lịch đã hơn 10 năm. Sinh ra và lớn lên tại Tả Phìn, chị Mẩy am hiểu rõ văn hóa, đời sống của người dân trong vùng, cộng thêm sự hoạt bát, nhanh nhẹn, chị đã tự học hỏi và trang bị cho bản thân vốn tiếng Anh giao tiếp khá tốt. Đây chính là hành trang để chị Mẩy vào nghề thuyết minh viên du lịch. Chị Ly Seo Mẩy cho biết: Thời gian đầu chưa quen, nên việc đưa khách còn lúng túng, qua nhiều lần theo tour, tôi tự rút kinh nghiệm, việc dẫn và thuyết minh cho khách thăm các địa danh không còn trở ngại.

 

Hiện, Sa Pa có khoảng 140 thuyết minh viên du lịch đang hoạt động nghiệp vụ. Những hướng dẫn viên “không chuyên” này thuộc quản lý của 24 đơn vị kinh doanh lữ hành. Căn cứ vào số lượng, đặc điểm và yêu cầu của từng đoàn khách, công ty lữ hành sẽ sắp xếp nhân sự hướng dẫn viên, thuyết minh viên hợp lý. Bên cạnh đó, có một số lượng nhỏ thuyết minh viên hành nghề tự do. Nhóm người này chủ động liên hệ, tìm kiếm khách hàng, chủ yếu dẫn các đoàn khách Việt kiều, khách nội địa với số lượng từ 1 - 5 người. Ngoài Sa Pa, thì thành phố Lào Cai và huyện Bắc Hà cũng là điểm đến của nhiều hướng dẫn viên và thuyết minh viên du lịch.

 

Thống kê cho thấy, hết năm 2012, toàn tỉnh có 36 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế, nội địa với 161 hướng dẫn viên; 263 thuyết minh viên du lịch được cấp giấy chứng nhận. Ông Nguyễn Đình Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: Đội ngũ hướng dẫn viên của tỉnh đã tiếp cận và cơ bản đáp ứng yêu cầu, so với mặt bằng chung của các tỉnh trong khu vực thì chất lượng nhân lực ngành du lịch Lào Cai thuộc “top” đầu. Những đơn vị kinh doanh lữ hành lớn như: Công ty Cổ phần Du lịch Quốc tế Lào Cai, Công ty Du lịch Đức Minh… có nhân lực vững về chuyên môn và kinh nghiệm. Các hướng dẫn viên nội địa và quốc tế thuộc quản lý của công ty lữ hành trên địa bàn phần lớn đều qua đào tạo, có kinh nghiệm và khả năng ứng xử tốt các tình huống. Đội ngũ này đã và đang xây dựng tính chuyên nghiệp để tạo ấn tượng tốt đối với du khách.

 

Đội ngũ thuyết minh viên du lịch của tỉnh dồi dào về số lượng. Những thuyết minh viên này đều là người địa phương, nên có nhiều ưu thế khi đưa khách. Điểm cộng đầu tiên có thể kể đến là sự nhiệt tình, am hiểu kiến thức về địa phương. Rất nhiều du khách đã có chung nhận xét như vậy khi trải nghiệm du lịch cùng các thuyết minh viên. Bên cạnh đó, sự nhanh nhạy cần thiết đã giúp họ có vốn tiếng Anh “bồi” khá tốt, là lợi thế để hoạt động nghề. Có thể khẳng định, đội ngũ này đã bổ sung đáng kể cho nguồn nhân lực của ngành du lịch của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch, tạo ra nét riêng biệt với du khách khi đặt chân tới đây. Điểm hạn chế của đội ngũ thuyết minh viên hiện nay là chưa qua đào tạo bài bản. Đa phần, họ mới có giấy chứng nhận thuyết minh viên do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp, chưa có nhiều kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng, xử lý tình huống, nên tính chuyên nghiệp chưa cao. Ngoài ra, trình độ văn hóa của thuyết minh viên du lịch còn hạn chế. Thực tế, nhiều thuyết minh viên du lịch của tỉnh chưa “nói thông, viết thạo” tiếng, chữ phổ thông. Điều này gây cản trở không nhỏ trong quá trình tác nghiệp, nhiều đơn vị lữ hành đã phải cử thêm nhân viên đưa khách tham quan các điểm, tuyến du lịch. Bên cạnh đó, các cơ sở về đào tạo du lịch còn ít, non trẻ, thiếu giáo viên và các chương trình đào tạo.

 

Nâng cao chất lượng nhân lực là giải pháp bền vững để phát triển du lịch. Để “ngành công nghiệp không khói” tiếp tục mang lại những kết quả tích cực thì đội ngũ này cần nâng cao hơn nữa về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bổ sung lao động có trình độ cao. Trong thời gian tới, tỉnh tăng cường tổ chức dạy nghề, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cộng đồng, dạy tiếng Anh cho người dân tộc thiểu số; đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ cho nhân viên ngành du lịch theo tiêu chuẩn, kỹ năng nghề của Tổng cục Du lịch... Bên cạnh đó, Hội thi “Hướng dẫn viên du lịch giỏi tỉnh Lào Cai” cũng  được tổ chức định kỳ để đánh giá lại thực trạng đội ngũ hướng dẫn viên, phát hiện những nhân tố tích cực, đề ra những hoạch định cụ thể phát triển nguồn lao động du lịch. Ngoài ra, nguồn lao động du lịch kế cận cũng sẽ được tỉnh quan tâm đào tạo bài bản bằng cách mở rộng liên kết đào tạo với các trường du lịch; thông qua Hiệp hội Du lịch tổ chức dạy nghề theo hướng “cầm tay chỉ việc”; phối hợp với Tổng cục Du lịch, đưa lao động đi đào tạo, nâng cao kỹ năng xử lý các tình huống… Mặt khác, các đơn vị kinh doanh lữ hành trên địa bàn cần có những chính sách, ưu đãi hợp lý về môi trường làm việc, lương thưởng, cơ hội thăng tiến… để thu hút và “giữ chân” những lao động có trình độ gắn bó lâu dài với ngành du lịch./.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục