Ninh Bình: Đầu tư cho mô hình du lịch sinh thái
Thung đồi Hải Nham (gọi tắt là Thung Nham) rộng hơn 40 ha nằm ở phía nam xã Ninh Hải, là nơi tiếp giáp giữa huyện Hoa Lư với các huyện Gia Viễn, Nho Quan và thị xã Tam Điệp. Với địa thế thuận lợi, phía Bắc gần núi Đính và hệ thống hang động Tràng An; phía Đông Bắc là Cố đô Hoa Lư; phía Nam giáp khu du lịch Hồ Đồng Thái; phía Tây cận kề Hồ Đồng Chương; phía Đông Nam là khu du lịch Tam Cốc - Bích Động nổi tiếng nên Thung Nham được tỉnh Ninh Bình coi là một trong những trọng điểm phát triển loại hình du lịch sinh thái. Năm 2003, anh Phạm Công Chất đã mạnh dạn đứng ra thuê đất để phát triển trang trại tổng hợp.
Anh Chất cho biết, trước năm 2003, nơi đây là vùng đất hoang sơ, dân cư thưa thớt. Bà con quen với phương thức quảng canh, sản xuất nông lâm nghiệp chủ yếu dựa vào việc khai thác độ phì tự nhiên sẵn có của đất nên chịu cảnh đói nghèo. Mặt khác, do nhận thức còn nhiều hạn chế, người dân chưa biết trân trọng, bảo vệ rừng nên tình trạng chặt cây, phá rừng khiến đất đai thoái hóa dần, gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường tự nhiên.
Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, anh Chất đã trải qua vô vàn trở ngại trong những ngày đầu khởi nghiệp. Đường bộ không có, anh cùng những người thợ phải di chuyển bằng thuyền xuôi theo con sông từ Hang Chùa xuyên tới Thung Nham. Mùa khô nước cạn trơ đáy, mùa mưa nước ngập tứ bề. Đưa được một hòn gạch vào Thung Nham để xây dựng, anh Chất phải bỏ ra chi phí tốn kém gấp 4 lần ở bên ngoài. Làm thủ công không xuể, anh huy động thợ tháo dỡ cả máy ủi, máy xúc, nhà sàn thành từng chi tiết rồi dùng thuyền chở vào nơi tập kết, sau đó lắp ráp lại rồi mới từng bước thi công cơ sở hạ tầng của trang trại
Không chùn bước trước khó khăn, ngay từ những ngày đầu, anh Phạm Công Chất đã mạnh dạn đầu tư hàng chục triệu đồng trồng mới 10 ha rừng, trong đó có nhiều loại cây lấy gỗ có chất lượng cao như keo, xà cừ, sưa đỏ, dó bầu. Sau khi nhận khoán bảo vệ 100 ha rừng, anh đứng ra thành lập Công ty cổ phần dịch vụ thương mại và du lịch Doanh Sinh. Anh huy động vốn trồng 5 ha cây ăn quả các loại cùng các loại cây cảnh có giá trị như sanh, tùng la hán, lộc vừng, ươm trồng tre, trúc và bồn hoa, thảm cỏ nhằm bổ sung chất màu cho đất, đồng thời giữ nước và dần tạo dựng nên một quần thể thực vật có sự kết hợp giữa cây lấy gỗ, cây ăn quả và thảm thực vật xanh.
Sau 10 năm xây dựng và phát triển, từ một vùng thung lũng hoang vu với cỏ dại và rừng đại ngàn, dưới bàn tay và tâm huyết của anh Phạm Công Chất, Thung Nham dần thay đổi và bước đầu mang dáng dấp của một khu du lịch sinh thái. Do làm tốt công tác bảo vệ rừng nên nhiều loại động vật như khỉ vàng, gà rừng, don, cầy đã xuất hiện và phát triển thuận lợi. Đặc biệt, tại Thung Nham đã xuất hiện một vườn chim tự nhiên với diện tích 3 ha, thu hút hàng nghìn con chim với rất nhiều loài đặc hữu như cò, vạc, le le, mồng két, bìm bịp, chào mào, sáo đá, chích choè... về trú ngụ và sinh sôi nảy nở. Tận dụng 18 ha hồ nước, anh Chất nuôi thả nhiều loại cá như trắm đen, trắm cỏ, mè..., thu hoạch bình quân 10 tấn/năm. Trên bờ, anh nuôi thả hàng trăm con gà, vịt, lợn cắp nách, nhím, mỗi năm cho thu nhập cả trăm triệu đồng.
Không chỉ chuyên tâm làm giàu từ phát triển kinh tế đồi rừng, anh Chất còn tập trung nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khu du lịch sinh thái Thung Nham theo hướng đồng bộ, kết hợp hài hòa giữa kiến trúc truyền thống với kiến trúc hiện đại. Khu nghỉ dưỡng với 15 dãy nhà sàn gỗ được trang bị đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt. Hệ thống đường dạo nội bộ được triển khai với chiều dài 10km, một mặt giúp khách du lịch có thể thoải mái di chuyển từ khu trung tâm đến thăm quan khu rừng nguyên sinh trên núi đá vôi và các danh lam thắng cảnh, mặt khác giúp Ban Quản lý rừng đặc dụng Hoa Lư - Vân Long có điều kiện đẩy mạnh tuần tra bảo vệ rừng, kịp thời ngăn chặn nhiều hành vi khai thác rừng, săn bắt động vật trái phép, góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ hệ sinh thái bền vững xung quanh khu Di tích Cố đô Hoa Lư nghìn năm lịch sử.
Theo ông Đỗ Văn Các, Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Hoa Lư - Vân Long, khu du lịch sinh thái Thung Nham thực sự là một mô hình hay cần được nhân rộng./.