Non nước Việt Nam

Bữa ăn gia đình của người Ba Na

Cập nhật: 07/11/2013 14:41:30
Số lần đọc: 2325
Sống giữa rừng núi, người Ba Na ở Kon Tum đã biết tận dụng thiên nhiên phục vụ cuộc sống. Nguồn tài nguyên quý giá mà thiên nhiên ban tặng được bàn tay khéo léo của những người phụ nữ nơi đây biến thành những món ăn hấp dẫn cho bữa ăn gia đình.

Mâm cơm giản dị của người Ba Na

Thức ăn hàng ngày của người Ba Na đơn giản, thường đạm bạc, chủ yếu là rau xanh, măng, nấm theo mùa; Cá, cua, ốc, ếch hoặc thịt chim, chuột kiếm được tùy thuộc vào sự tháo vát, đảm đang của các thành viên mỗi gia đình. Gia vị thì có muối ớt, lá é, tiêu rừng, giềng, gừng...

 

Trong nhà, phụ nữ là người cáng đáng mọi công việc bếp núc, từ giã gạo, cõng nước đến nấu nướng, chỉ trong dịp lễ hội đàn ông mới ra tay bếp núc. Trong bữa ăn, món có nước thường được đựng trong tô gỗ hoặc là một gióng lồ ô chẻ đôi, món khô thường được bày trên lá chuối, lá dầu.

 

Tôm lam rau dớn

 

Mùa mưa ở Kon Tum bắt đầu khoảng từ tháng 5 - 10 dương lịch. Đây cũng là thời điểm có nhiều loại rau rừng như rau dớn, đọt mây, măng... Trong đó, rau dớn được xếp vào hàng đặc sản ở Kon Tum. Men theo sông, suối là có thể hái được rau, có khi bắt gặp cả một thảm rau xanh mượt dưới những tán rừng già rậm rạp. Rau dớn có thể chế biến thành nhiều món ăn như luộc, nấu canh và đặc biệt là món tôm lam rau dớn.

 

Tôm được xúc từ suối quanh nương rẫy. Phụ nữ Ba Na dùng rổ làm từ cây Xâm Blũh (một loại lồ ô) đi dọc các con suối xúc tôm, tép rồi tìm hái rau dớn về chế biến món ăn.

 

Tôm để nguyên con rửa sạch cùng với rau dớn. Cho tôm và rau vào ống lồ ô. Chọn ống lồ ô “bánh tẻ”, có đường kính khoảng từ 5 - 7cm dài từ 50 – 60cm. Sau khi bỏ tôm và rau vào ống lồ ô, nêm muối vừa ăn, xóc đều rồi nút lại bằng lá chuối. Đem ống lồ ô nướng trên bếp than, khoảng 15 – 20 phút. Khi nướng xoay tròn ống để tôm và rau chín đều. Đổ món ăn ra đĩa hoặc lá chuối là có được món tôm lam rau dớn thơm ngon, màu xanh mượt của rau cùng màu vàng tươi của tôm khiến món ăn càng trở nên bắt mắt.

 

Rau dớn có vị thơm ngon, hơi ngai ngái, có cái giòn sần sật, có vị ngọt, lại có vị chát nhè nhẹ, vị bùi đọng lại cộng với cái ngọt mát, ngon của tôm đem đến một hương vị rất riêng, đậm chất núi rừng.

 

Thịt mùi nấu cà đắng

 

Từ cà đắng, một loại cà dại vốn mọc nhiều trong rừng, trên rẫy cũ, qua bàn tay khéo léo của các mẹ các chị đã tạo ra nhiều món ăn độc đáo, đậm đà. Người ta thường chọn những miếng thịt heo ba chỉ có cả nạc lẫn mỡ, khi nấu sẽ tạo được độ ngon và béo. Đem gói thịt trong lá chuối rồi để trên gác bếp 1 - 2 ngày cho thịt có mùi. Sau đó thịt được cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn. Cà đắng rửa sạch, bổ đôi, hoặc bổ ba. Cho cà và thịt vào ống lồ ô rồi nêm gia vị vừa ăn, dùng lá cây nút ống lại và đem nướng trên bếp lửa. Khi các nguyên liệu đã chín, dùng đũa bếp xọc thật mạnh để cà và thịt nhuyễn vào nhau, cho thêm lá é, một thứ gia vị quen thuộc và phổ biến của người Ba Na làm cho món ăn thêm phần hấp dẫn.

 

Thịt mùi nấu cà đắng là sự kết hợp hài hoà giữa các nguyên liệu và gia vị. Khi ăn vừa cảm nhận được béo ngậy của thịt mùi, vị bùi pha chút đăng đắng của cà cùng mùi thơm rất riêng của lá é. Tất cả hòa quyện vào nhau khiến món ăn ngon khó tả.

 

Món cá suối nấu măng le

 

Măng le không to như măng nứa, măng vầu nhưng ruột đặc, rất giòn và ngọt. Món cá suối nấu măng le quen thuộc nhưng cũng không kém phần hấp dẫn. Măng loại bỏ phần gốc cứng và lớp vỏ bên ngoài, rửa sạch rồi thái mỏng. Cá rửa sạch, những con to mổ bỏ ruột rồi cứ để nguyên con cho vào nấu. Cho măng vào nồi nấu trước, khi măng gần chín thì cho cá vào rồi nêm mắm muối, gia vị. Tiếp tục đun trên bếp khoảng 10 phút cho cá chín và vị ngọt của cá thấm đều vào măng. Để làm tăng thêm hương vị và khử mùi tanh của cá suối cho thêm một ít lá é rồi bắc xuống. Vị ngọt tươi thơm ngon của cá suối cùng với vị giòn sần sật của măng le khiến những ai đã từng một lần thưởng thức khó có thể quên.

 

Cháo nấm mối

 

Sẽ thiếu sót khi nói về ẩm thực của người Ba Na mà không nhắc đến món cháo. Món ăn quen thuộc và ưa thích của người Ba Na. Trước kia người Ba Na thường nấu cháo bỏ vào trong vỏ bầu khô mang theo mỗi khi đi làm xa. Sau những giờ lao động mệt nhọc, được thưởng thức món cháo mát lạnh đựng trong bầu, cái nắng, cái gió của cao nguyên như dịu đi phần nào. Người Ba Na nấu khá nhiều loại cháo nhưng món cháo được mọi người ưa thích nhất là cháo nấm mối.

 

Nấm mối thường chỉ mọc vào đầu mùa mưa, trong khi làm nương rẫy, người ta thường bắt gặp được một vài đám nấm mọc rải rác trên rẫy mì, rẫy bắp. Nấm lấy về được rửa sạch, loại bỏ phần gốc rồi xé nhỏ. Gạo được giã thật mịn rồi mới đem nấu. Nước sôi, bỏ nấm vào nồi nấu trước khoảng mươi phút rồi cho bột gạo vào. Một tay rắc bột, một tay cầm cây đũa bếp quấy thật đều để không bị dính cục. Trước khi bắc xuống, cho vào nồi cháo một chút muối, một chút bột tiêu rừng, cháo dậy mùi thơm ngào ngạt. Mọi thành viên trong gia đình quây quần bên nồi cháo thưởng thức vị nóng hổi, thơm phức và béo ngậy của gạo và nấm mối đầu mùa./.

Nguồn: LangvietOnline

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT