Du lịch văn hóa tiêu biểu ở Hà Nam
Đền Lảnh Giang: Nằm gần bờ sông Hồng thuộc xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, cạnh quốc lộ 38 đi cầu Yên Lệnh. Đền Lảnh Giang còn có tên gọi là Lảnh Giang linh từ, đền tọa lạc trong khuôn viên 3.000m2, nơi đây không có núi đồi, nhưng bạt ngàn màu xanh của cây trái. Cửa đền nhìn ra hướng đông dòng sông Nhị Hà (sông Hồng), bốn mùa mênh mang sóng nước.
Kề bên đền Lảnh Giang về phía bờ sông là ngôi đền thờ Cô Bơ Thoải Phủ. Đền thờ Tam vị Đại Vương thời Hùng - Duệ - Vương có công đánh Thục và thờ Tiên Dung công chúa, một trong Tứ Bất Tử của Việt Nam.
Mỗi năm có 2 kỳ lễ hội vào tháng 6 và tháng 8 âm lịch. Kỳ hội tháng 6 diễn ra từ ngày 18 đến ngày 25, kỳ hội tháng 8 được tổ chức vào ngày 20 âm lịch. Hiện rất đông khách thập phương từ các nơi kể cả Hà Nội, Hưng Yên… đến lễ và tham quan đền Lảnh. Nếu tuyến du lịch Sông Hồng của Hà Nội được mở rộng, đây sẽ là một trong những điểm du lịch tín ngưỡng có khả năng thu hút khách cao.
Đền Trần Thương: Thuộc thôn Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân. Tương truyền nơi đây là kho lương của Nhà Trần và là nơi diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên thế kỷ 13. Đền thờ Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Đền được khởi xây vào năm 1783 với kiến trúc mang đậm nét cổ truyền dân tộc. Lễ hội hàng năm được tổ chức từ ngày 1 đến 20 tháng 8 (âm lịch) cùng với lễ hội đền Kiếp bạc ( Hải Dương), lễ hội đền Bảo Lộc (Nam Định) để tưởng nhớ người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Hiện nay khu di tích đang được tiến hành quy hoạch lập dự án đầu tư xây dựng thành một điểm du lịch văn hoá tín ngưỡng trên tuyến du lịch sông Hồng.
Quế Sơn: Còn gọi là núi An Lão, núi Nguyệt Hằng ở thôn An Lão (Bình Lục) nơi có ngôi chùa tương truyền được xây dựng vào thời Lý, nơi phát hiện trống đồng Đông Sơn loại Hêgơ, đồng thời là một thắng cảnh nằm bên bờ sông Ninh.
Ngọc Lũ: Là một trong những xã thuộc huyện Bình Lục, nơi đầu tiên người Pháp phát hiện trống đồng mang tên Ngọc Lũ.
Bát cảnh sơn: Tám cảnh ở vùng núi xã Tượng Lĩnh (Kim Bảng) đã từng là nơi chúa Trịnh Sâm cho lập hành cung và được chúa ví với 8 cảnh đẹp nổi tiếng ở Tiêu Tường (Vân Nam, Trung Quốc), như: Đền Tiên Ông thờ Nam thiên đại thành hoàng Thánh tổ Thiên vương Bồ Tát, nằm trong quần thể di tích thắng cảnh Bát cảnh sơn ở xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, Hà Nam. Đền Tiên Ông được xây dựng vào đời vua Trần Nhân Tông, nằm trên lưng chừng núi Tượng Lĩnh, cao khoảng 200m giống hình con voi phủ phục. Cứ đến ngày rằm tháng 6 hàng năm, nhân dân ở đây tổ chức lễ hội rất long trọng, khách thập phương ở nhiều nơi cùng về tham dự...
Đền Trúc: Thuộc thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng. Đền thờ vị danh tướng Lý Thường Kiệt để tưởng nhớ Người cùng đoàn quân nghỉ tại đây khi Người dẫn quân đi chinh phạt Chiêm Thành cách đây hơn 900 năm. Hàng năm đền mở hội từ 1/1 - 1/2 âm lịch. Đây là một lễ hội tiêu biểu, ngoài phần lễ, phần hội được tổ chức rất phong phú, còn có múa hát Dặm Quyển Sơn - một làn điệu dân ca nổi tiếng của Hà Nam.
Chùa Bà Đanh: Thuộc thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng. Chùa nằm ngay ven bờ sông Đáy, cạnh núi Ngọc, có kiến trúc độc đáo và nhiều những di vật quý đầy chất nghệ thuật dân gian. Đây là ngôi chùa đẹp cổ kính, thâm nghiêm, với cảnh quan “sơn thuỷ hữu tình”, thanh tịnh, cô quạnh và linh thiêng. Chùa bà Đanh, núi Ngọc nằm trong quần thể khu du lịch Ngũ Động Thi Sơn.
Đền Vũ Điện: Còn gọi là đền Bà Vũ, miếu vợ chàng Trương, thuộc thôn Vũ Điện, xã Chân Lý, huyện Lý Nhân. Nói đến vợ chàng Trương, chắc hẳn ai cũng nhớ đến người con gái phủ Nam Xang đã sớm được chép vào sách Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ.
Theo truyền thuyết của người dân địa phương thì ngôi đền này được xây dựng từ thế kỷ XV, ngay sau cái chết oan uổng của bà Vũ. Ngôi đền linh thiêng với câu chuyện thương tâm của bà Vũ đã từng là đề tài cho biết bao thi nhân như Lê Thánh Tông, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến… Những lời thơ của các thi nhân đã nói hộ lòng thương tiếc, ước muốn giải oan cho người phụ nữ chịu nhiều đau khổ, mối đồng cảm sâu sắc của người đời đối với nỗi oan trái hãy còn dằng dặc ở trên đời và lòng ngưỡng mộ đối với một tấm gương trinh liệt. Phải chăng vì thế mà ngôi đền thờ bà đã và vẫn sẽ còn có sức thu hút mối quan tâm của nhiều vãn khách xa gần.
Đền Lăng: Còn được gọi là đền Ninh Thái. Đền ở xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, Hà Nam. Đền Lăng thờ vua Đinh, vua Lê và Tam vị đại vương. Ngoài ra Đền Lăng còn thờ Lê Đại Hành cùng hai con của ông là Lê Trung Tông và Lê Ngọa Triều. Đến đền Lăng, du khách được am hiểu về kiến trúc của đền cũng như các đồ thờ tự thời Nguyễn, những sản phẩm văn hoá thời hậu Lê rất quý hiếm.
Đình đá Tiên Phong: Thuộc thôn An Mông, xã Tiên Phong, huyện Duy Tiên, Hà Nam. Đình thờ Nguyệt Nga công chúa, nữ tướng của Hai Bà Trưng. Đình đá Tiên Phong là một trong số không nhiều ngôi đình được làm bằng đá còn giữ được đến ngày nay. Khách du lịch đến tham quan được chiêm ngưỡng những mảng chạm khắc nghệ thuật công phu, tạo cho đình vẻ mềm mại, sự sống động, hấp dẫn mà không có cảm giác nặng nề của những khối đá.
Đình An Hòa: Ở xã Thanh Hòa, huyện Thanh Liêm, Hà Nam. Từ thị xã Phủ Lý đi 3km tới dốc Đọ, rẽ tay trái 2km vào đường liên xã, đến thôn An Hòa rẽ phải 300m là đến di tích. Đình An Hòa thờ hoàng tử Linh Lang và phò mã Kiều Đức Mậu thời Lý. Đình An Hòa được xây dựng trên khu đất rộng, mặt trước đình có hồ rộng, hệ thống cột đồng trụ, tường bao. Điều đặc biệt khi du khách đến đây là được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các mảng chạm khắc không chỉ phong phú về nội dung, đa dạng về đề tài mà còn được thể hiện bằng những tay nghề điêu luyện làm cho những mảng trang trí ở đây có hồn, sống được cùng thời gian.
Khu di tích văn hoá lịch sử: Từ đường Nguyễn Khuyến thuộc thôn An Đổ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, thờ dòng họ Tam nguyên Yên đổ Nguyễn Khuyến. Đây là một điểm tham quan du lịch khá hấp dẫn. Khách tham quan được xem Cờ biểu của Vua ban cho Đệ Nhất Giáp tiến sĩ, vừa thưởng ngoạn những áng thơ bất hủ của bậc Tài Danh, vừa dạo mát ở bờ ao “ngư điếu” hoặc thả bộ trong bóng cây tĩnh mịch đặc trưng quen thuộc của làng quê cổ kính và bình dị Việt Nam./.