Non nước Việt Nam

Cồng chiêng Tây Nguyên – Di sản văn hóa gắn kết tình đoàn kết dân tộc

Cập nhật: 20/11/2013 09:30:21
Số lần đọc: 3424
Ngày 19/11/2013, cồng chiêng Tây Nguyên của dân tộc Gia Lai đã được tái hiện sinh động dưới các hình thức dân ca, dân vũ mang đậm không gian văn hóa Tây Nguyên.

Hưởng ứng Tuần lễ "Đại đoàn kết dân tộc - Di sản Văn hoá Việt Nam", cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã cùng tụ hội tại ngôi nhà chung của Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Họ cùng chia sẻ với nhau những nét sinh hoạt phong phú trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc mình, từ đó thắt chặt thêm mối tình đoàn kết – sự kết tinh và lan tỏa của tình tương thân tương ái.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, trong đó cộng đồng dân tộc làm chủ loại hình văn hóa đặc sắc này gồm: Ba Na, Xê Đăng, Mnông, Rơmăm, Ê đê, Gia Lai… Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân Tây Nguyên, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn của con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và trong sinh hoạt hằng ngày. Trở về với Tuần lễ "Đại đoàn kết dân tộc - Di sản Văn hoá Việt Nam" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam một lần nữa di sản phi vật thể này đã được khắc họa rõ hơn trong bản chất nghệ thuật của các loại hình sinh hoạt dân ca dân vũ.

 

Người dân Tây Nguyên có quan niệm và tôn thờ đặc biệt các nghi lễ, các loại hình biểu diễn ca múa là một cách gián tiếp làm đặc sắc thêm các lễ hội. Trích đoạn Lễ hội ăn trâu mừng chiến thắng của người Gia Lai đã được tái hiện một cách sinh động. Đây là lễ hội quan trọng, hoành tráng nhất của cộng đồng thể hiện sự tạ ơn của thần linh đã phù hộ mang đến cho đồng bào nơi đây một cuộc sống an lành.

 

Các bài chiêng của dân tộc Gia Lai, Tây Nguyên luôn biểu cảm âm nhạc phù hợp với trạng thái tình cảm của con người trong mỗi nghi lễ, đó chính là cách làm phong phú thêm nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của dân tộc này trong cộng đồng 54 dân tộc anh em.

 

Cùng góp mặt trong Tuần lễ "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam", các tiết mục giao lưu của đoàn Gia Lai đã có sự tham dự của rất nhiều cộng đồng dân tộc tham dự: Lự, Khơmer, Tà ôi, Thái, Mông, Tày… Du khách và bà con dân tộc cùng được chiêm ngưỡng những loại nhạc cụ được thổi hồn từ những bàn tay của những nghệ nhân nơi đây. Đặc biệt là hiểu hơn về nguồn gốc xuất xứ của loại nhạc cụ này.

 

Thể hiện rõ nét nhất là tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc “Suối trăng” của 25 nghệ nhân đến từ làng Né, xã Gia Tô, tỉnh Gia Lai. Từ những thân tre nứa, những vỏ bầu, những sợi dây thừng, những bàn tay khéo léo của các chàng trai này đã tự làm nên những chiếc đàn tơ rưng, krông put, đinh pơ, chuông gió; những âm thanh này hòa quyện cùng trống, chiêng và tâm hồn của mỗi con người nơi đây đã thể hiện tình yêu đôi lứa. Những câu thơ chân thật, mộc mạc như chính con người của đồng bào: “ơi bạn tình ơi, hỡi đến đây ta cùng vui ca hát, dưới ánh trăng bên dòng suối reo, ta trao nhau từng nụ cười ánh mắt, tiếng đàn tơ rưng, tiếng cồng, tiếng chiêng… ngân vang như gắn kết đôi bạn”.

 

Trong ngày vui đại đoàn kết dân tộc, hình ảnh của Bác luôn được đồng bào nơi đây tôn kính. Họ đã cùng hát múa tấu lên khúc Azin làm theo lời Bác, và cũng không quên sự rèn giũa bản thân, nguyện làm theo lời Bác dạy, phấn đấu lao động, học tập, và xây dựng đất nước Tây Nguyên ngày một giàu đẹp.

 

Cuộc sống làm giàu thêm về đời sống vật chất cũng được đồng bào nơi đây thể hiện rõ trong niềm vui “Được mùa” qua tiết mục múa đặc sắc do chính đồng bào tái hiện. Hòa cùng điệu múa là tiếng cồng chiêng, tiếng chiêng như tiếp thêm sinh lực, tấu lên thần linh mang lại cho dân làng một mùa tới bội thu.

 

Mỗi tiết mục của dân tộc Gia Lai mang đến Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam không chỉ thể hiện bản sắc dân tộc rõ nét mà nó còn ẩn chứa tâm hồn và tài năng của mỗi một người nơi đây. Đồng bào Gia Lai nói riêng cũng như đồng bào dân tộc khác nói chung trong ngôi nhà chung đang phát huy giá trị về bản sắc thấm nhuần hơn trong mỗi thế hệ, xứng đáng được tôn vinh trong ngày hội Đoàn kết dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam./.

Nguồn: Báo Làng Việt

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT