Tuần Văn hóa Du lịch Đà Lạt 2013 – sự kiện “3 trong1” đã khởi động chào đón du khách
Rực rỡ Đà Lạt hoa
Xứng danh “thành phố ngàn hoa”, hoa đang hiện diện khắp nơi trong thành phố Đà Lạt. Hàng trăm ngàn giỏ hoa với trên 100 loại hoa đặc trưng Đà Lạt, hoa giống mới được nhập về trồng, được trang trí với nhiều hình thức sắp đặt, thiết kế sinh động, độc đáo, vừa mang dáng vẻ hiện đại, vừa toát lên nét truyền thống của vùng đất Tây Nguyên. Hoa hồng, hoa cúc, thược dược, cẩm chướng, dạ yên thảo, pan sê, xác pháo, phong lữ, trạng nguyên… khoe sắc bên hồ Xuân Hương, trên các tuyến phố Lê Đại Hành, Hồ Tùng Mậu, Trần Phú… và trên các tiểu đảo, vòng xoay, vườn hoa khắp thành phố.
Thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này những điều kiện tuyệt vời về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng để hoa bén đất, quen người mà đua nhau khoe sắc, tỏa hương. Góp thêm nét rực rỡ, sự phong phú, đa dạng của Festival Hoa, hoa ban đang bung nở trắng phố phường, còn mai anh đào – “đặc sản” của Đà Lạt cũng đang chúm chím khoe sắc hồng chờ độ một vài tuần nữa sẽ “nhuộm đỏ” phố núi. Đây đó đã xuất hiện phượng tím nở sớm điểm thêm nét duyên dáng cho đường phố Đà Lạt trong hội hoa. Cúc trắng marguerite, cẩm tú cầu, trạng nguyên, mimosa và chút dã quỳ còn sót lại làm cho bức tranh hoa Đà Lạt mùa này thêm đáng yêu, đa sắc màu. Bình dị hơn, những làng hoa ven đô như Thái Phiên, Vạn Thành, Hà Đông với nghề trồng hoa nổi tiếng cả nước dù đang tất bật cho vụ hoa Tết cũng góp thêm những sắc hoa, những nhà vườn, trang trại hoa ngút ngàn cho khách đến tham quan trong dịp lễ hội.
Về đêm, thành phố lung linh hơn với hàng chục tuyến đường trung tâm được trang trí đẹp mắt, tạo thêm chút “gia vị” để bữa tiệc hoa Đà Lạt càng “bắt mắt”, hấp dẫn trong màn đêm sương lạnh. Trong đêm khai mạc, Đà Lạt càng rực rỡ với những chùm pháo hoa rực sáng trên Quảng trường Lâm Viên và hồ Xuân Hương thơ mộng. Đà Lạt rực rỡ hơn bao giờ hết đúng dịp mừng sinh nhật tuổi 120, để thêm khẳng định “thương hiệu độc quyền” – Thành phố Festival Hoa của Việt Nam.
Kỳ ảo âm sắc Tây Nguyên
Cùng với hai sự kiện Festival Hoa Đà Lạt và Kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, Năm Du lịch Quốc gia 2014 Tây Nguyên – Đà Lạt cũng đã chính thức khởi động. Trong đêm khai mạc Tuần Văn hóa Du lịch “3 trong 1”, dù chỉ với vài giờ của chương trình biểu diễn, bức tranh văn hóa Tây Nguyên đã được vẽ lên hết sức sinh động và đa sắc. Một Tây Nguyên kỳ bí, giàu bản sắc đang chờ được du khách khám phá, cảm nhận để đến và nhớ mãi.
Âm sắc đại ngàn Tây Nguyên đủ làm ngây ngất bất cứ ai khi đến với vùng đất này. Trong đêm hội nơi phố núi Đà Lạt, cồng chiêng Tây Nguyên lại vang lên, vừa trầm hùng, vừa rộn rã. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vốn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, đã nổi danh toàn cầu, nhưng những nét độc đáo riêng trong văn hóa cồng chiêng của từng dân tộc, từng khu vực vẫn là điểm thu hút để công chúng tìm đến với loại hình văn hóa dân gian độc đáo này.
Cùng với cồng chiêng, những ché rượu, cây nêu (cột cúng), đàn đá, đàn T’rưng, thổ cẩm, tượng nhà mồ, bản trường ca… những “vật thiêng” gắn bó bao đời nay với đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, được giới thiệu với bạn bè gần xa để thêm hiểu hơn về cuộc sống và nền văn hóa lâu đời của các dân tộc nơi đây. Tây Nguyên với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, với rừng, hồ, thác, những đỉnh núi sương giăng, ngọn đèo hiểm trở, những buôn làng, những lễ hội, sinh hoạt, trang phục truyền thống đa dạng… sẽ là điểm đến của khách du lịch trong và ngoài nước trong Năm Du lịch Quốc gia 2014, đã bắt đầu ngay từ đêm hội 27/12 nơi thành phố sương Đà Lạt.
Trong tiếng cồng chiêng vang lên trên cao nguyên Lang Biang huyền thoại, những chàng trai, cô gái người Ê Đê, Jarai, M’nông, Ba Na, K’Ho… cùng các thiếu nữ Đà Lạt người gốc Bắc, gốc Huế, xứ Quảng thướt tha trong tà áo dài và những bạn trẻ đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên, tay trong tay xóa tan cái lạnh vùng cao, làm ấm thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc anh em vốn cùng sinh sống trên mảnh đất Tây Nguyên giàu đẹp này từ hàng trăm năm qua. Cũng như hoa đang hiện diện khắp nơi, Đà Lạt – Tây Nguyên sẽ chào đón khách gần xa bằng những nụ “hoa cười”, những đóa “hoa người” hiền hòa, thân thiện và gần gũi./.