Hoạt động của ngành

Đà Nẵng tập trung phát triển “công nghiệp không khói”

Cập nhật: 06/01/2014 10:35:54
Số lần đọc: 2723
Dự báo tình hình kinh tế trong năm 2014, có sự cải thiện do một số giải pháp tái cơ cấu kinh tế và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã triển khai trong thời gian qua, phát huy tác dụng. Ngành Du lịch thành phố Đà Nẵng đã đề ra những giải pháp cụ thể để duy trì, phát triển mạnh và vững vàng trong quá trình hội nhập WTO.

Để sớm hoàn thành mục tiêu đề ra, ngành Du lịch Đà Nẵng xác định tiếp tục xây dựng các sản phẩm du lịch mới, phát triển du lịch đường sông; phối hợp với Sở Công Thương hình thành các sản phẩm lưu niệm đặc thù của Đà Nẵng; quy hoạch Bà Nà, Sơn Trà thành khu du lịch quốc gia; phát triển điểm du lịch địa phương đỉnh đèo Hải Vân; triển khai Đề án Ẩm thực biển thuộc Đề án phát triển dịch vụ thành phố Đà Nẵng đến năm 2020.

 

Ngoài ra, Đà Nẵng sẽ tăng cường công tác xúc tiến, tuyên truyền quảng bá du lịch với nhiều hình thức; trong đó, tập trung quảng bá trên internet, các báo, tạp chí và các kênh truyền hình lớn, nổi tiếng. Đặc biệt, ngành tăng cường công tác xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch Đà Nẵng ở thị trường trọng điểm nước ngoài (Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Nga, Nhật Bản...) và trong nước (thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng...). Bên cạnh đó, ngành du lịch Đà Nẵng cũng sẽ xúc tiến hình thành Quỹ xúc tiến du lịch Đà Nẵng; nâng cấp các đường bay thuê chuyến thành các đường bay thường kỳ từ các thị trường quốc tế trọng điểm đến Đà Nẵng như Trung quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga...

 

Hội nhập là cơ hội để Đà Nẵng quảng bá hình ảnh du lịch trên thị trường quốc tế, giúp cho việc khai thác được nhiều nguồn khách hơn, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thành phố tiếp thu công nghệ và kinh nghiệm làm du lịch chuyên nghiệp của nước ngoài, nhằm mở rộng quy mô và hiệu quả kinh doanh. Thông qua đó, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch - dịch vụ, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và các đơn vị liên quan trao đổi, đưa ra những đề xuất và giải pháp đa dạng hóa sản phẩm, thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch tại thành phố Đà Nẵng trong bối cảnh hiện nay.

 

Ngành du lịch Đà Nẵng trong thời gian qua, đã nắm bắt nhiều cơ hội của quá trình hội nhập thông qua việc thu hút các dự án đầu tư du lịch, từ đó đạt được nhiều kết quả ban đầu khá ấn tượng. Sự xuất hiện của các thương hiệu du lịch toàn cầu trong vài năm trở lại đây đã mang về cho Đà Nẵng lượng khách quốc tế ngày càng tăng nhanh.

 

Mặc dù, quá trình hội nhập WTO mang lại nhiều thuận lợi cho sự phát triển của ngành du lịch thành phố, song cũng đặt ra không ít khó khăn. Trước hết, là nguồn nhân lực phục vụ ngành du lịch địa phương còn thiếu và yếu. Riêng nguồn hướng dẫn viên du lịch quốc tế hiện nay, cũng thiếu trầm trọng, không đáp ứng nhiều nguồn khách đến Đà Nẵng ngày càng đa dạng và tăng cao. Bên cạnh đó, các kiến thức về pháp luật, văn hóa, xã hội… của hướng dẫn viên còn rất hạn chế. Một thách thức không nhỏ đặt ra cho các doanh nghiệp địa phương trong quá trình hội nhập nữa là cuộc “chạy đua” với các doanh nghiệp nước ngoài. Theo nhiều nhà kinh doanh lữ hành cho hay, thế mạnh của ngành du lịch địa phương hiện nay, là khai thác thị trường “outbound” (đưa khách đi du lịch ở nước ngoài). Trong quá trình hội nhập, du lịch “outbound” sẽ phát triển mạnh, mở rộng cơ hội cho các hãng kinh doanh lữ hành Đà Nẵng đưa được nhiều nguồn khách trong nước sang các nước thành viên, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp du lịch nước ngoài đặt chi nhánh tại địa phương.

 

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành thành phố cho rằng, hiện với thị trường inbound (đưa khách vào Việt Nam), Việt Nam đã thua trong sân chơi WTO vì không thể cạnh tranh với nước ngoài mà chỉ còn thị trường outbound và nội địa. Do đó, Việt Nam phải thay đổi trong cách quản lý, đề ra chiến lược kinh doanh phù hợp với môi trường kinh doanh mới có thể tồn tại trong sân chơi chung. Để làm được việc đó, các doanh nghiệp du lịch địa phương cần phải liên kết chặt chẽ với nhau hơn nữa trong việc khai thác và trao đổi nguồn khách lẫn nhau. Đồng thời, sự hỗ trợ từ phía chính quyền cũng là yếu tố quan trọng để giúp các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn chung. Cơ quan quản lý cần phải tăng cường hơn nữa hoạt động kiểm tra, giám sát để hạn chế sự chèn ép của các doanh nghiệp nước ngoài.

 

Theo ông Amir Ahmad Mohamed, Tổng Giám đốc khách sạn Hoàng Anh Gia Lai Đà Nẵng nhận định: Chúng ta cần phải hội nhập từ từ ở từng khía cạnh nhỏ để có thời gian chuẩn bị những bước đi lâu dài hơn. Trong đó, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong quá trình hội nhập để đưa du lịch phát triển một cách bền vững, đáp ứng những yêu cầu khắt khe của xu thế toàn cầu hóa quốc tế.

 

Năm 2013, bất chấp những khó khăn chung của nền kinh tế, ngành du lịch Đà Nẵng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng với những bước đi chiến lược và đột phá. Cùng với đường biển, du lịch đường hàng không năm qua đã có bước tăng trưởng mạnh cả về lượng khách lẫn số chuyến bay, góp phần đáng kể vào tổng thu cho du lịch Đà Nẵng. Trong tổng số hơn 743.000 lượt khách quốc tế đến Đà Nẵng, khách du lịch qua các đường bay trực tiếp đạt 264.200 lượt, tăng 80% so với năm 2012. Có thể nói, chưa bao giờ Đà Nẵng lại sôi động với những đường bay quốc tế như hiện nay, với sự góp mặt của 16 đường bay từ các nước trên thế giới; trong đó, có 4 đường bay trực tiếp thường kỳ và 12 đường bay trực tiếp thuê chuyến, tăng 8 đường bay so với cùng kỳ năm 2012.

 

Năm qua tiếp tục là một năm thị trường khách nội địa giữ được mức tăng trưởng ổn định với hơn 2,3 triệu lượt, tăng 17% so với năm 2012. Nhờ thị trường khách chính này mà tổng thu du lịch thành phố năm 2013, ước đạt gần 7.800 tỷ đồng, tăng 29,8% so với năm 2012. Năm 2014, ngành du lịch thành phố vẫn lấy thị trường nội địa là nguồn khách chính./.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục