Phú Yên: Phát lộ đường đi trong di tích Thành Hồ
Ngày 28/9/2008, Tiến sĩ Đặng Văn Thắng - Trưởng bộ môn Khảo cổ học Trường Đại học Khoa học xã hội - nhân văn TP.HCM, trưởng đoàn khai quật di tích Thành Hồ - cho biết đoàn khảo cổ đã đào 5 hố với tổng diện tích trên 300m2 trên khu đất của 4 gia đình thuộc thôn Định Thọ, thị trấn Phú Hòa và đã đào sâu đến tầng sinh lộ (lớp đất cuối cùng) của di tích. Cùng với việc phát lộ các đường đi trong thành của di tích, đoàn khai quật đã thu được nhiều hiện vật bằng gốm có giá trị như gốm hình mặt hề, hình ống, gốm có hoa văn giống trống đồng Đồng Sơn, một số đồ gia dụng khác…
Các hiện vật thu được cho thấy có nhiều con đường đi trong thành; những đường đi này có thể có mái che. Kết quả khai quật còn cho thấy di tích Thành Hồ trước đây đã được người Chăm nâng cấp, sửa chữa về kiến trúc và nâng nền ít nhất ba lần. Theo kế hoạch, từ nay đến hết tháng 10/2008, đoàn sẽ tiếp tục khai quật xung quanh di tích, cắt ngang mặt thành để nghiên cứu cách xây dựng tường thành trước đây.
Được biết, Thành Hồ vốn là trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội của người Chăm cổ, có niên đại từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 7, tọa lạc trên diện tích 1km2, đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.