Tham quan đình Quán Khái (Hải Phòng)
Tuy nhiên, ở miền quê này vẫn luôn duy trì cuộc sống tình làng, nghĩa xóm đầm ấm, nghĩa tình “No đói có nhau, ốm đau thăm hỏi, trên kính dưới nhường”. Vì thế năm 1940, vua Bảo Đại tặng làng Quán Khái bức đại tự in 4 chữ “Mỹ tục thuần phong”, là phần thưởng rất cao quý dưới thời chế độ phong kiến. Tại Hải Phòng hiện nay chỉ còn 2 bức đại tự như thế. Bức đại tự của làng Quán Khái hiện lưu giữ tại đình làng, một di tích văn hóa nghệ thuật cấp quốc gia. Ngày nay, nhân dân làng Quán Khái vẫn duy trì những nét đẹp của quê hương từ bao đời, đường ngang, ngõ dọc bê tông hóa hoặc lát gạch sạch sẽ. Nhà ai có đám hiếu, đám hỷ đều có sự chung tay của dân làng tạo không khí vừa đầm ấm vừa chứa chan tình làng nghĩa xóm.
Đình Quán Khái là công trình kiến trúc cổ có quy mô bề thế, khang trang, bố cục theo lối chữ đinh, gồm 5 gian tiền đường và 4 gian hậu cung. Đình khởi dựng từ năm 1906 đến năm 1916 hoàn thành. Kinh phí xây đình do dân làng đóng góp, người đứng chủ hưng công là cụ Bá Phú, một hào lý có uy tín trong vùng. Chuyện dựng đình cũng khá công phu: Ngày ấy cụ Chánh Bát phải cùng một số trai làng khỏe mạnh "khăn đùm cơm nắm" vào tận rừng sâu chọn gỗ để mua, rồi đóng bè xuôi về quê trên dòng Hóa Giang. Biết tin làng Quái Khái dựng đình lớn, nhiều hiệp thợ từ khắp nơi tìm về xin được trổ tài. Cuối cùng hiệp thợ Cúc Bồ - Ninh Giang (Hải Dương) được chọn xây dựng đình.
Đình Quán Khái tiêu biểu cho kiến trúc đình làng Việt Nam đầu thế kỷ 20, bao gồm hồ bán nguyệt, ngũ môn, tường bao, sân, từ chỉ và tòa đại đình. Đình là tòa nhà 6 mái cao rộng, lợp ngói mũi hài với 10 mái đao cong vút. Trên nóc đình, bờ dải đắp con kìm, con sô, đầu guột… là những tác phẩm quý được giữ gìn từ ngày khởi dựng đến nay. Bên trong đình là cảnh lộng lẫy vàng son của các bức hoành phi, câu đối, cửa võng, khám thờ được chạm khắc công phu và to lớn khác thường. Vì kèo đình Quán Khái làm theo kiểu "chồng rường giá chiêng", một phong cách đậm nét cổ truyền. Có một khác biệt so với các ngôi đình khác là các bộ phận kiến trúc dù ở tiền đường cao thoáng, hay ở tận cùng hậu cung tối sẫm đều được chạm khắc tỷ mỉ như nhau. Nhìn vào tác phẩm điêu khắc tại nơi này, có thể hình dung như một cung điện thu nhỏ trong một kiến trúc đồ sộ "độc nhất vô nhị" ở thành phố Hải Phòng.
Ngoài giá trị về kiến trúc và nghệ thuật, đình Quán Khái lưu giữ khá nhiều đồ thủ công mỹ nghệ, sản phẩm truyền thống của quê hương Vĩnh Bảo, tượng quan văn, quan võ, tượng ông Đô, tượng chim hạc, hương án, sập thờ, cỗ ngai, câu đối, cửa võng, đại tự… vừa mang tính cung đình vừa phảng phất màu sắc dân gian.
Trước cửa đình mỗi bên có một cây gạo cổ thụ cao chừng 25- 30m, phần gốc cây có chu vi hơn 6m. Tháng ba, mùa hoa gạo về cũng là dịp lễ hội truyền thống của đình, hai bên cổng đình đỏ rực màu hoa gạo như hai khoảng trời lửa trước sân. Theo các cụ cao niên trong làng, hai cây gạo này có tuổi đời bằng tuổi ngôi đình. Thuở dựng đình người ta trồng cây gạo với ước mong thần hoàng làng sẽ phù độ cho dân làng có nhiều thóc gạo, cuộc sống ấm no. Trải qua thời gian, thiên tai nhưng cây gạo vẫn sừng sững hiên ngang, tươi cành xanh lá. Trong những năm, kháng chiến chống Pháp, dưới gốc gạo lúc đó có tòa nhà từ đường 7 gian làm nơi trung chuyển thương binh của mặt trận Kiến An – Hải Phòng. Hai cây gạo là nơi du kích trèo lên để theo dõi tình hình địch từ xa, là “cột cờ” của quân cách mạng. Hai cây gạo không chỉ làm tăng thêm vẻ đẹp tổng thể cảnh quan đình Quán Khái mà còn có giá trị về sinh thái rất lớn. Nhận thức rõ về giá trị này, nhân dân làng Quán Khái cũng như Ban quản lý di tích đình làng vừa có đơn đề nghị các cấp có thẩm quyền xét đưa hai cây gạo vào hạng mục cây di sản.
Chẳng còn bao xa nữa mùa hoa gạo lại về, dân làng Quán Khái đang nô nức chuẩn bị cho ngày hội truyền thống của đình làng vào mồng 3 tháng 3 Giáp Ngọ. Dân làng Quán Khái nói riêng, nhân dân xã Vĩnh Phong nói chung luôn rộng lòng đón chào những du khách gần xa và con em xa quê về dự hội, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đình làng, ngắm những chùm hoa gạo đỏ rực lung linh trong nắng xuân quê, tìm hiểu nét đẹp văn hóa truyền đời của một vùng quê lúa./.